TP. Thủ Đức: Nguồn động lực, gia tốc mới cho phát triển TP. Hồ Chí Minh

13:42 | 02/03/2021 Print
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, đơn thuần 1ha đất nông nghiệp chỉ làm ra 500 triệu đồng/năm, nhưng khi chuyển đổi thành đất đô thị thì 1 ha đất đó sẽ làm ra 55 tỷ đồng. Điều này tạo ra giá trị gia tăng khi TP. Thủ Đức được thành lập và vận hành.

anh moi

Hạ tầng TP. Thủ Đức đang dần hoàn thiện. Ảnh: Gia Cư

Giá trị gia tăng trên 100 lần

Dẫn chứng cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) Lê Hoàng Châu nêu về việc thành lập quận 7 tách ra từ huyện Nhà Bè trước đây: Năm 1997, quận 7 chỉ thu ngân sách 59 tỷ đồng, đến năm 2017, quận 7 thu ngân sách được hơn 7.000 tỷ đồng, đó là nhờ chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu khẳng định, việc thành lập TP. Thủ Đức là nguồn động lực hàng đầu, tạo gia tốc mới thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. Động lực thứ hai chính là lộ trình chuyển đổi các huyện ngoại thành trở thành các quận trong thời gian tới.

“Với tầm nhìn của hiệp hội chúng tôi cho rằng, cả 5 huyện, bao gồm huyện Cần Giờ, cũng đủ điều kiện trở thành quận trong 10 năm tới. Động lực thứ ba của TP.HCM chính là Chính phủ đã ra nghị quyết chấp thuận cho thành phố chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp trở thành đất công nghiệp” - ông Lê Hoàng Châu cho hay.

Theo bà Lương Thu Anh - Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch khu trung tâm, Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố, các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo chính của TP. Thủ Đức gồm có: Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính; Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học: sẽ tiếp tục nâng cấp với các hoạt động nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá, trở thành là nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương; Khu Đại học Quốc gia thành phố - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục.

Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái: tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực phía Đông quận 9; Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai: tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị” tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật và sẽ là lõi trung tâm của đô thị sáng tạo và trung tâm TP. Thủ Đức. Trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ Khu cảng quốc tế Cát Lái; Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam: quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Các khu vực đã có mặt bằng, đang đầu tư hạ tầng, sẵn sàng cho đầu tư quy mô lớn. Riêng Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM), đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu ở phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức để chuyển một khu đất rộng 10ha thành khu tái định cư cho người dân trong khu vực dự án ĐHQG TP.HCM.

300 tỷ đồng cho khu công nghệ giáo dục bậc cao

Thông tin về một số thay đổi về quy hoạch của khu ĐHQG TP.HCM, một trong những trụ cột trọng điểm đổi mới sáng tạo của TP. Thủ Đức, bà Lương Thu Anh cho biết, mục tiêu lớn tại đây là xây dựng khu công nghệ giáo dục bậc cao, cung cấp nhân lực cho toàn TP.HCM. Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có 2 dự án mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo đó, thứ nhất là dự án cải tạo cơ sở vật chất phòng học, một số phòng dạy học trực tuyến, với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Thứ hai là dự án xây dựng mới trung tâm nghiên cứu tiên tiến, tập trung vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, y sinh, dữ liệu lớn, công nghệ vật liệu, khối ngành nghề xã hội… Dự án được thực hiện theo mô hình nghiên cứu hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường (diện tích khoảng 40.000m2 sàn), dự kiến sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Ngoài ra, hiện nay ĐHQG TP.HCM đang thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 ở phường Linh Xuân để chuyển một khu đất rộng 10ha thành khu tái định cư, bà Thu Anh cho biết, việc xây dựng phục vụ cho tái định cư người dân trong khu vực dự án ĐHQG. Đến 2025 sẽ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án lớn của ĐHQG TP.HCM.

Cùng với đó, TP. Thủ Đức đang có 5 khu công nghiệp và chế xuất gồm: Khu chế xuất Linh Trung I (Thủ Đức), Khu chế xuất Linh Trung II (Thủ Đức), Khu công nghiệp Bình Chiểu (Thủ Đức), Khu công nghiệp Cát Lái (quận 2). Đây là quỹ đất quan trọng để thu hút sản xuất công nghệ cao và tạo ra các trung tâm việc làm quan trọng của thành phố trong tương lai đồng thời là quỹ đất dự trữ cho phát triển đô thị trong tương lai xa hơn.

Về hạ tầng giao thông, TP. Thủ Đức sẽ có các tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành và các tuyến đường trục kết nối liên vùng hiện hữu bao gồm Xa lộ Hà Nội, Đại lộ Mai Chí Thọ, đường Võ Chí Công, quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng nối với quốc lộ 1K và nối với sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện đường vành đai 3 đoạn chạy qua khu Đông dọc theo bờ sông Đồng Nai đã được quy hoạch, đây cũng là tuyến đường chiến lược kết nối TP.HCM với các tỉnh thành xung quanh, đặc biệt là Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã lập dự án khả thi và đang kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn vốn./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam