Chung tay chăm lo tết cho người nghèo

22:43 | 06/02/2021 Print
Chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người có công và hộ nghèo luôn được Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đặc biệt quan tâm và đã trở thành truyền thống mỗi dịp Tết đến Xuân về.

liên đoàn

Liên đoàn Lao động Bắc Ninh tặng quà cho công nhân. Ảnh: TL.

Đảm bảo cho người nghèo có Tết ấm no

Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm giáp tết, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành quyết định xuất cấp gạo cho người dân ở các tỉnh còn khó khăn. Năm nay, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định giao Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) xuất hỗ trợ 11.580,915 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 16 tỉnh, để hỗ trợ bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và giáp hạt đầu năm 2021.

Các tỉnh nhận hỗ trợ gồm Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Quảng Trị, Cao Bằng, Bình Phước, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Giang, Bình Định, Nghệ An, Quảng Nam, Điện Biên, Lạng Sơn, Lai Châu.

Nhằm kịp thời đưa gạo dự trữ tới tận tay người dân trước Tết Nguyên đán, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất kho, vận chuyển và bàn giao gạo, bảo đảm đủ về số lượng và tiêu chuẩn chất lượng quy định theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Theo đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dành tặng 12.000 suất quà tặng cho các hộ nghèo và quà tặng các trung tâm nhân đạo với tổng số tiền hơn 14,1 tỷ đồng.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu các địa phương cần đặc biệt quan tâm các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo bị thiên tai, bão lũ, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; các hộ gia đình nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid - 19, các hộ nghèo là công nhân viên chức, người lao động làm việc ở những khu vực khó khăn. Mặt trận các cấp cần giám sát việc tặng quà và trao nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách đảm bảo đúng đối tượng để mọi người đều được vui xuân, đón Tết.

Công đoàn và doanh nghiệp chung tay chăm lo Tết cho công nhân nghèo

Năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, giảm thu nhập. Với mục tiêu tất cả đoàn viên và người lao động đều có tết, ngay trong những ngày đầu năm 2021, các cấp công đoàn đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động như “Tết Sum vầy”, “Tấm vé nghĩa tình”… nhằm chăm lo tốt nhất cho công nhân lao động (CNLĐ). Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn cũng đã có quyết định chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với mức trung bình là 1 triệu đồng/người..., dự kiến tổng mức hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng.

Liên đoàn Lao động tại các tỉnh đã tổ chức chương trình “Tết sum vầy - kết nối yêu thương” năm 2021 cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn Lao động Bắc Ninh đã tặng hơn 2.000 suất quà cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn; 10.000 vé xe cho đoàn viên công đoàn làm việc xa quê, có nhu cầu về quê đón tết… Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc đã trao 2.723 suất quà tết tặng công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 1.738 vé xe; tổ chức 29 chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê đón Tết. Các cấp công đoàn tại các tỉnh cũng đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, với sáng kiến và nguồn lực của tổ chức công đoàn, đã có gần 30 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành trung ương thăm, tặng quà cho hàng nghìn CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc (trung bình mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng). Cùng với đó, các cấp công đoàn đã dành nguồn lực lớn “dốc sức” chăm lo cho người lao động, nhiều liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã chi hàng trăm tỷ đồng từ nguồn tích lũy của tổ chức công đoàn và xã hội hóa để chăm lo Tết cho CNLĐ.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo phòng dịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu tổ chức công đoàn các tỉnh không tổ chức các sự kiện bề nổi, đông người mà chuyển hướng tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp, khu nhà trọ.

Ông Khang đánh giá cao sự đồng hành, chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, giúp đỡ CNLĐ trong bối cảnh khó khăn khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều chủ nhà trọ giảm tiền thuê trọ cho công nhân, nhiều doanh nghiệp dù khó khăn vẫn cố gắng có thêm tiền thưởng Tết cho người lao động, hỗ trợ tiền đi lại, tổ chức xe đưa đón công nhân lao động về quê ăn Tết./.

Ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ từ trung ương, các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách để chăm lo cho người nghèo. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán, toàn TP. Hà Nội dành tặng 8.646 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền trên 3 tỷ đồng; tặng 114.321 suất quà cho người cao tuổi với số tiền trên 85 tỷ đồng.

Tại tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã quyết định tặng trên 211 ngàn suất quà Tết, trị giá từ 300 ngàn đồng đến 4 triệu đồng/trường hợp. Đặc biệt, Tết năm nay, tỉnh đã quyết định tặng 5 ngàn suất quà Tết cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tổng số tiền tặng quà Tết là hơn 106 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, tăng so với Tết Nguyên đán Canh Tý gần 10 tỷ đồng.


Đức Việt

Đức Việt

© Thời báo Tài chính Việt Nam