Hà Nội: Hỗ trợ tiền thay cho phương tiện đưa người lao động về quê ăn Tết

21:42 | 05/02/2021 Print
Trước tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã thống nhất và quyết định hỗ trợ bằng tiền thay vì hỗ trợ phương tiện đưa công nhân lao động các khu công nghiệp và khu chế xuất về quê đón Tết.

Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội yêu cầu Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; công đoàn ngành; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương tuyên truyền, vận động công nhân lao động cân nhắc kỹ việc quyết định về quê và lựa chọn phương tiện về quê đón Tết cùng gia đình, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch. Khẩn trương rà soát, thống kê những trường hợp công nhân thuê trọ không về quê đón Tết cùng gia đình để có hình thức hỗ trợ, động viên kịp thời.

Công đoàn cấp trên cơ sở đã có kế hoạch tổ chức hỗ trợ xe ô tô đưa người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết cần chuyển sang hình thức hỗ trợ bằng tiền để tránh việc tập trung đông người, gây lây lan dịch bệnh. Mức hỗ trợ công nhân lao động căn cứ vào nguồn tài chính của đơn vị, do Ban thường vụ Công đoàn cấp trên cơ sở xem xét quyết định.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương quan tâm, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, động viên kịp thời những người lao động thuê trọ trên địa bàn không về quê đón Tết cùng gia đình, để mọi gia đình công nhân lao động đều có một cái Tết đầm ấm, vui vẻ và an toàn.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, theo báo cáo bước đầu, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp với các doanh nghiệp trao trên 80.000 suất quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, dự kiến tặng trên 90.000 vé xe, hỗ trợ phương tiện đưa công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Số tiền hỗ trợ ước tính trên 60 tỷ đồng.

Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội chi trên 10 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán này. Cụ thể là: hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 50 “Mái ấm Công đoàn”, trị giá 2 tỷ đồng; trao hỗ trợ 5.500 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng; tặng 1.300 vé xe ô tô đưa công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội về quê đón Tết; thăm hỏi, trao tặng quà cho 1.640 công nhân, lao động tại 18 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trao tặng 17 suất quà cho đoàn viên trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội là vợ các chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ công tác tại biên giới, biển đảo, 500 suất quà cho các cháu là con đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi. Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 802 công nhân, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trực thuộc Liên đoàn Lao động các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Hòa Bình.

Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã tổ chức thành công Chương trình “Tết Sum vầy”, trao trực tiếp 800 suất quà trị giá 1,6 tỷ đồng và 126 giải thưởng, trị giá trên 210 triệu đồng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động và Chỉ thị của UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan lơ là; tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Các cấp công đoàn thực hiện nghiêm chiến lược “Lấy phòng dịch làm ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để ở bên trong, chữa trị hiệu quả”, bám sát tình hình công nhân, lao động để chủ động phối hợp với ngành, chính quyền địa phương ứng phó với “làn sóng mới” lây nhiễm dịch COVID-19, dập dịch triệt để trong thời gian sớm nhất.

Công đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đông đảo cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động gương mẫu thực hiện nghiêm yêu cầu "5K" (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế và không tụ tập) trong phòng chống dịch bệnh, trước hết phải làm tốt 2 biện pháp đeo khẩu trang và sát khuẩn tay tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm dịch bệnh. Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, hội nghị, sự kiện có tập trung đông người và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Các cấp công đoàn chủ động tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động cân nhắc kỹ việc về quê ăn Tết theo lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhất là đối với những địa bàn nơi đi hoặc nơi đến đang có người mắc COVID-19, nên lựa chọn phương án ở lại đón Tết tại địa phương, hạn chế di chuyển để góp phần cùng cả nước kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe và việc làm bền vững, lâu dài.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam