Xử lý hơn 66.000 vụ vi phạm, nộp vào ngân sách trên 352 tỷ đồng

14:19 | 16/01/2021 Print
Năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý hơn 66.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán ước tính trên 136 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 392 tỷ đồng.

hang lau

Hầu hết các nhãn hàng, các hãng sản xuất có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều bị làm giả, làm nhái. Ảnh: TL

Phát hiện, xử lý hơn 66.000 vụ vi phạm

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong năm 2020, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý trên 66.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán ước tính trên 136 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 392 tỷ đồng.

Trong năm 2020, lực lượng QLTT đã triệt phá được nhiều vụ việc "khủng", nổi cộm, và các đường dây ổ nhóm lớn. Điển hình là vụ việc xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai; tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm nóng và kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, Quận Hoàn Kiếm...

Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối với 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính.

Trao đổi với phóng viên TBTCO, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh chia sẻ, hiện nay, hàng giả, hàng nhái tại thị trường nội địa có mặt từ các cửa hàng tạp hóa, các chợ truyền thống, đến hè phố các đô thị, thậm chí trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những khu đô thị.

"Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi, nhằm qua mặt các cơ quan quản lý như cất giấu ngụy trang hàng hóa, bán hàng qua mạng, lưu trữ hàng hóa cùng với nơi ở tại các khu chung cao cấp được kiểm soát chặt chẽ việc ra vào gây khó khăn khi tiến hành kiểm tra", Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết.

Thực tế cho thấy, hầu hết các nhãn hàng, các hãng sản xuất có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm sáng chế như: Adidas, Dior, Gucci, Chanel, Hermes, Louis Vuitton… tập trung nhiều vào các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi ví, thắt lưng, đồng hồ... "Vấn nạn này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi xâm hại cả vào lĩnh vực thực phẩm như: đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh... qua cả các con đường kinh doanh xuất nhập khẩu hợp pháp và bất hợp pháp”, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

Ngoài ra, hàng giả còn được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm, sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ.

Trốn lậu thuế, lừa dối người tiêu dùng gia tăng

Theo đánh giá của Tổng cục QLTT, thời gian qua, hành vi gian lận thương mại có chiều hướng gia tang các thủ đoạn tinh vi phức tạp nhằm trốn lậu thuế, lừa dối người tiêu dùng.

Điển hình, các hình thức gian lận phổ biến như quay vòng hóa đơn chứng từ, mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu; gian lận trong việc kê khai về giá trên hóa đơn bán hàng hoặc không xuất hóa đơn để giảm thuế giá trị gia tăng phải nộp; khai sai tên hàng, số lượng, chất lượng, nhãn hiệu, mục đích sử dụng, làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

"Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại tại các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết.

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều hành vi nhập hàng không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; gian lận trong cân, đong, đo, đếm hàng hóa, sử dụng phương tiện đo lường không qua kiểm định.

Đơn cử, trong lĩnh vực xăng dầu, nhiều đối tượng gắn chíp điện tử vào các phương tiện đo lường như cột bơm xăng dầu làm sai lệch đồng hồ đo; pha trộn dầu hỏa, axeton vào xăng, bán xăng chất lượng thấp nhưng tính tiền theo giá xăng chất lượng cao; hay sang chiết gas trái phép và gian lận trong đo lường, chất lượng đối với sản phẩm gas.

Ngoài ra còn có gian lận đối với các hàng hóa đóng gói sẵn; quảng cáo công dụng và chất lượng sản phẩm không đúng thực tế; vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa; lừa đảo trong mua bán hàng qua mạng (các website); sản xuất và bán các sản phẩm hàng hóa chưa công bố tiêu chuẩn hoặc công bố, ghi trên nhãn hàng hóa tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng thực tế thì hàng hóa chất lượng lại rất thấp…/.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam