Buôn lậu gia tăng mạnh với nhiều thủ đoạn mới

17:55 | 15/01/2021 Print
Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, nhiều thủ đoạn buôn lậu mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử. Trong đó, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất...

buon lau

Lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra, bắt giữ các phương tiện chở hàng hóa lậu. Ảnh: TL

Nhiều thủ đoạn mới xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử

Trao đổi với phóng viên TBTCO, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho hay, càng vào những tháng cuối năm thì tình hình buôn lậu lại có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ tiêu dùng.

Đáng chú ý, các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với cơ quan QLTT. Đơn cử như một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở tại Việt Nam nhưng không sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam thể hiện ở việc được sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”.

“Đối với việc kiểm tra hàng hóa trên khâu lưu thông, khi lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra, bắt giữ các phương tiện chở hàng hóa với số lượng lớn thì lái xe xuất trình một số hóa đơn chứng từ, nhưng đa số không trùng khớp với số hàng hóa tại hiện trường. Thậm chí, một số hóa đơn bán hàng có giá rẻ hơn giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 20 - 30 lần”, ông Linh cho biết.

Đặc biệt, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh, đến nay việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử. Trong đó, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Cụ thể, các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng).

Bên cạnh đó, có hiện tượng một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị phát hiện đó là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Vụ việc tại tổng kho buôn lậu 10.000m2 ở 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai mà Tổng cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá là một ví dụ điển hình cho loại tội phạm kể trên.

Buôn lậu gia tăng mạnh trên nhiều tuyến

Ông Trần Hữu Linh đánh giá, trong thời gian qua, hoạt động buôn lậu gia tăng mạnh trên các tuyến đường bộ, đường biển, hàng không và bưu điện.

Trên tuyến đường bộ, lợi dụng đời sống khó khăn của cư dân biên giới, các chủ đầu nậu đã thuê người dân và “cửu vạn” vận chuyển hàng lậu về Việt Nam và đưa các hàng cấm xuất khẩu từ Việt Nam qua biên giới tiêu thụ.

Ở tuyến này, thủ đoạn thường gặp của các đối tượng vi phạm là lợi dụng đêm tối, dùng thuyền nan hoặc thuê “cửu vạn” đi bằng các đường mòn, lối tắt để vận chuyển hàng, sau đó gom lại. Những hoạt động diễn ra với các phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gắn trách nhiệm vật chất đối với người khuân vác vận chuyển hàng lậu, nếu bị bắt thì họ phải tự đền tiền.

Ngoài ra, lợi dụng việc đưa hàng miễn thuế vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu bảo thuế để chuyển hàng nhập lậu, các đối tượng kinh doanh bao gồm thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài đã mang hàng với thuế suất bằng 0% qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đưa vào bán tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu bảo thuế, chợ biên giới. Từ đây, các đối tượng buôn lậu tổ chức thu mua gom lại và dùng hóa đơn bán hàng (để hợp thức hóa hàng lậu) rồi dùng các phương tiện khác nhau hoặc lợi dụng người đi du lịch để vận chuyển hàng lậu vào các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, trên tuyến đường biển, việc vận chuyển hàng tiêu dùng khối lượng lớn về Việt Nam ở vùng biển miền Bắc và miền Trung có dấu hiệu phức tạp và khá nghiêm trọng. Thủ đoạn phổ biến là hoạt động về ban đêm, dùng tàu biển công suất lớn, sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Khi bị kiểm tra phát hiện, bắt giữ, các đối tượng này sẵn sàng vứt hàng xuống biển để phi tang và chống trả quyết liệt.

Còn trên tuyến hàng không và bưu điện, hàng lậu chủ yếu là hàng gọn nhẹ, giá trị kinh tế cao, dễ cất giấu, như máy ảnh, camera, điện thoại di động, đồng hồ đeo tay, mỹ phẩm, đồ trang sức, kim loại quý, đá quý, ngoại tệ, ma túy và ma túy tổng hợp, thuốc chữa bệnh, vũ khí, công cụ hỗ trợ,.../.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam