EIU: Việt Nam là trung tâm của chuỗi cung ứng châu Á

18:26 | 14/01/2021 Print
Ngôi sao đang lên Việt Nam tiếp tục là thành tố trung tâm của các chuỗi cung ứng đang biến đổi và là một trong những địa điểm sản xuất cạnh tranh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

sản xuất cà phê

Dây chuyền sản xuất cà phê xuất khẩu của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang.

Đó là nhận định của Bộ phân phân tích thông tin EIU (Economist Intelligence Unit) trong báo cáo đánh giá về Việt Nam công bố ngày 13/1.

Trong báo cáo tựa đề “Ngôi sao đang lên: Vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng đang thay đổi tại châu Á”, EIU cung cấp đánh giá chi tiết về những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm thị trường lao động, các chính sách khuyến khích đầu tư và các mối quan hệ thương mại của Việt Nam.

Trong lĩnh vực lao động, EIU cho rằng tiền lương chi trả cho lao động tại Việt Nam sẽ không tăng nhanh tới mức gây tổn hai sự cạnh tranh của Việt Nam, tuy nhiên thiếu lao động kỹ năng sẽ là một hạn chế. Trong lĩnh vực đầu tư, các nhà sản xuất công nghệ cao sẽ tiếp tục được hưởng những ưu đãi trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại và duy trì quan hệ tốt với các đối tác thương mại, giúp giảm chi phí giao thương của các doanh nghiệp.

Theo thông cáo báo chí của EIU, ông John Marrett, chuyên gia phân tích cao cấp của EIU đánh giá hiện có nhiều sự chú ý về Việt Nam như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhưng cũng ý kiến cho rằng Việt Nam đang tiến nhanh lên chuỗi giá trị, gần đạt đến giới hạn năng lực trong việc phát triển các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh có những cách thức mà môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ phát triển trong những năm tới và đó là điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần xem xét.

Cũng theo theo chuyên gia John Marrett, những điểm mạnh chính của môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các nước trong khu vực là chế độ thuế, chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các biện pháp kiểm soát ngoại thương và hối đoái. Những khía cạnh này được củng cố bởi sự ổn định chính trị trong nước cao hơn so với hầu hết các nước Đông Nam Á khác có mức độ phát triển kinh tế tương tự Việt Nam.

Một hạn chế đối với các nhà đầu tư tìm cách tiếp thị hàng hóa và dịch vụ là cơ sở hạ tầng còn phân tán của Việt Nam, với kết nối giao thông giữa miền Bắc và miền Nam còn hạn chế. Tuy nhiên, hàng loạt ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng tiếp cận thị trường nhờ các hiệp định thương mại tự do, kết hợp với chi phí lương cạnh tranh, sẽ đảm bảo Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các hoạt động sản xuất và những người đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á.

EIU là một trong những tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo về kinh tế, kinh doanh hàng đầu thế giới, trực thuộc tập đoàn The Economist, trụ sở chính tại London, Vương quốc Anh, với 40 văn phòng đại diện ở nước ngoài, trong đó có Singapore, và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam