Du lịch nội địa tiếp tục là ‘phao cứu sinh’ của ngành du lịch trong năm 2021

18:41 | 12/01/2021 Print
Doanh nghiệp lữ hành cần chú ý tới sản phẩm du lịch. Bài toán liên kết tạo ra sản phẩm một lần nữa được đặt ra và cần thay vào đó là một tư duy mới không đặt nặng về số lượng mà trọng tâm là nâng cao chất lượng.

du lich

Phát triển du lịch nội địa tiếp tục là giải pháp cho ngành du lịch trong năm 2021. Ảnh: H.M

Doanh nghiệp thích ứng để phát triển

Ngày 12/1 Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Lữ hành toàn quốc, nhằm đưa ra giải pháp khôi phục và phát triển du lịch trong năm 2021.

Thông tin tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành cho biết, với sự tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2016 – 2019 du lịch Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trong nền kinh tế quốc dân, đã từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Du lịch Việt Nam đã trở thành một hiện tượng của Du lịch thế giới với tốc độ tăng trưởng cao và hàng chục danh hiệu cao quý.

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 với sự tàn phá chưa từng có đã đẩy lùi ngành Du lịch trở lại hàng chục năm. Thiệt hại của Covid-19 sau 1 năm chưa thể tính hết được. Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, doanh thu giảm gần 60% so với 2019.

Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, dịch Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà Covid-19 còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch. Sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ vốn chưa thực sự đi vào cuộc sống thì nay đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nhiều ngành kinh tế.

Các quy định về giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp,… đã làm cho dịch vụ onlines trở thành một phương thức được ứng dụng rộng rãi nhất. Các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây và internet vạn vật, thực tế ảo, Block chain, trí tuệ nhân tạo khi ứng dụng vào các ngành đã làm thay đổi cơ bản hoạt động của ngành đó. Là ngành nhạy cảm với xã hội, du lịch phải triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh.

Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, chưa thể xác định được thời điểm nới lỏng hoàn toàn việc di chuyển trong khu vực và trên thế giới, do vậy, du lịch quốc tế vẫn là bài toán mở cho ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành.

“Du lịch bền vững sẽ là xu hướng phát triển. Bởi lẽ, du khách đã chọn những điểm đến ít đông người hơn, tăng tính bền vững và cao hơn nữa là yêu cầu về du lịch có trách nhiệm xuất phát từ khách hàng. Tập trung, quan tâm nhiều hơn đến du lịch cộng đồng ở các địa phương, giúp người dân nâng cao khả năng làm chủ, tham gia vào hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường. Khách du lịch cũng tìm đến chất lượng hơn là số luợng, du lịch đường bộ sẽ tăng nhanh, tư vấn du lịch trở nên cần thiết hơn và du lịch gần nhà được ưa chuộng. Có một thực tế là các doanh nghiệp có kinh doanh mảng du lịch nội địa dễ dàng ứng phó với thách thức hơn so với các đơn vị, bộ phận chuyển đổi từ du lịch quốc tế trên cả phương diện quản lý, điều hành, nguồn nhân lực và hiệu quả kinh doanh, ” ông Thắng cho hay.

Tăng cường liên kết vùng

Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng giám đốc Flamingo Redtours đưa ra nguyên lý cơ bản để phát triển du lịch trong thời gian tới đó là liên kết. Các địa phương không thể "đơn thương độc mã" phát triển, không đủ tiềm lực tạo ra hiệu ứng mạnh cho các chiến dịch quảng bá ở quy mô rộng, cũng như doanh nghiệp lữ hành không thể xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nếu thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan…

"Cần xác định du lịch trong nước là chiếc "phao cứu sinh" của ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng trong năm 2021. Khi chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng", ông Hoan khẳng định.

Đồng tính với quan điểm trên, ông Võ Anh Tài - Phó TGĐ Saigon Tourist cho rằng, để cùng với du lịch nội địa, hoạt động du lịch quốc tế cũng cần chuẩn bị sẵn sàng, tận dụng mọi cơ hội, hồi phục hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất. Toàn ngành du lịch Việt Nam tập trung cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép. Từ đó, tạo nên cơ hội để phục hồi toàn bộ ngành du lịch Việt Nam.

Theo ông Tài, để du lịch phát triển cũng cần tăng cường công tác nghiên cứu, theo dõi, dự báo mỗi thị trường du lịch quốc tế sẽ hồi phục khác nhau tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu, sửa đổi các điều kiện để hủy đặt chỗ tour du lịch quốc tế và trong nước.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, doanh nghiệp lữ hành cần phải thật hiểu thị trường một cách căn cơ, hiểu khách hàng, hành xử và xây dựng văn hoá doanh nghiệp lữ hành. Nếu không hiểu khách hàng và tiếp cận theo hướng cũ thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp lữ hành cần chú ý tới sản phẩm du lịch. Bài toán liên kết tạo ra sản phẩm một lần nữa được đặt ra và cần thay vào đó là một tư duy mới: không đặt nặng về số lượng mà trọng tâm là nâng cao chất lượng./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam