HSBC: Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất tại châu Á

17:30 | 05/01/2021 Print
Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC vừa đưa ra báo cáo ‘Dự báo Kinh tế châu Á hàng quý - Sự phục hồi’ hứa hẹn sẽ mang đến một sự phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp tại khu vực châu Á trong năm 2021.

Sản xuất tại doanh nghiệp.

Sản xuất tại doanh nghiệp.

Báo cáo cũng đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất tại châu Á vào năm 2020 và một lần nữa sẽ nằm trong tốp đầu các nước phát triển ở khu vực trong năm nay.

Các chuyên gia HSBC phân tích bất chấp những thách thức chưa từng có, Việt Nam đã vượt ra khỏi khủng hoảng dịch bệnh một cách mạnh mẽ. Với dân số hơn 95 triệu người, Việt Nam đã xoay sở để san bằng đường cong COVID-19 sớm hơn nhiều và duy trì tổng số ca nhiễm ở quanh mức 1.400 nhờ các nỗ lực ngăn chặn nhanh chóng và hiệu quả của các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, khi làn sóng dịch bệnh lần hai quay lại và tồn tại ngắn ngủi vào cuối tháng 7/2020, sự phục hồi của Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Cuộc khủng hoảng đã làm nổi bật thế mạnh của Việt Nam như một nền kinh tế và một cơ sở sản xuất linh hoạt đồng thời tiếp tục cho phép Việt Nam giữ vững vị trí ngôi sao sáng của khu vực.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 2,91% trong năm 2020, tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đây vẫn được đánh giá là thành công lớn, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Số liệu thường kỳ gần đây cũng cho thấy đà phục hồi đang diễn ra, đặc biệt là với các đơn hàng xuất khẩu điện thoại, do chu kỳ điện thoại thông minh kéo dài.

Cũng theo các chuyên gia của HSBC, nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Các chỉ số chuyển động của Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ nhất trong khu vực ASEAN, dẫn đến tiêu dùng cá nhân phục hồi. Mặc dù làn sóng dịch bệnh lần thứ hai đã làm giảm tốc độ phục hồi nhưng doanh số bán lẻ vẫn tiếp tục đà tăng một cách mạnh mẽ. Điều đó cho thấy, thị trường lao động mềm vẫn là một mối quan tâm.

Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải, giảm từ 3,9% trong 3 quý đầu năm xuống 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11/2020. Điều này là nhờ vào việc bình thường hóa giá lương thực và giá dầu giảm.

“Đối với năm 2021, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết. Tuy nhiên, chúng tôi hạ nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống còn 7,6% (trước đó là 8,1%) vì sự phục hồi của ngành du lịch vẫn bị kéo dài”, các chuyên gia HSBC nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia của HSBC, mặc dù Việt Nam đã sẵn sàng để vượt lên so với các nước trong khu vực vào năm 2021 nhưng vẫn có những rủi ro đối với quá trình phục hồi kinh tế. Trước hết, lĩnh vực du lịch vẫn còn nhiều trở ngại. Mặc dù điều tồi tệ nhất có thể đã qua sau quý II/2020 nhưng các dịch vụ liên quan đến du lịch như chỗ ở và vận chuyển vẫn mắc kẹt trong tình trạng ảm đạm. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi những hạn chế trong việc xuất nhập cảnh qua biên giới vẫn đang diễn ra mặc dù Việt Nam đã có một số thỏa thuận đi lại với các nước láng giềng.

Chuyên gia HSBC nhấn mạnh, mặc dù làn sóng dịch lần thứ hai nhanh chóng được kiềm chế nhưng điều đó có thể khiến Chính phủ thận trọng hơn trong việc tái mở cửa biên giới và thu hút khách du lịch quốc tế. Do đó, sự phục hồi có ý nghĩa trong ngành khó có thể xảy ra trong thời gian tới cho đến khi có vaccine hiệu quả và một cách tiếp cận phối hợp toàn cầu về du lịch quốc tế.

Trong nước, thị trường lao động mềm của Việt Nam vẫn là một thách thức. Mặc dù có một số cải thiện trong quý III/2020, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng với mức lương thấp hơn. Nếu vẫn tiếp tục, sự việc này có thể sẽ dẫn đến sự phục hồi kéo dài trong chi tiêu tiêu dùng, vốn là trụ cột chính của tăng trưởng./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam