Lồng ghép nội dung về ứng phó dịch bệnh, thiên tai vào giáo dục

22:15 | 07/12/2020 Print
Ngày 7/12, Báo Giáo dục & Thời đại đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phòng, chống Covid-19: Trường học chủ động ứng phó”, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Trường học cần chủ động có các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Ảnh: Q.H

Tại buổi giao lưu, bác sĩ Nguyễn Nam Hà - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự đoán, dịch Covid-19 không chỉ nặng mà sẽ còn kéo dài; trên thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đang rất nghiêm trọng và đã kéo dài đến nay.

Do vậy, người dân cần chủ động các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình, lớp học bằng các biện pháp phòng chống dịch. Các biện pháp này đã được y văn thế giới chứng minh có hiệu quả trong việc phòng ngừa dịch bệnh, kể cả đại dịch.

Từ những năm học qua, thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giáo dục – Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, nhiều trường trên địa bàn thành phố đã có các chuyên đề lồng ghép nội dung về ứng phó với các tình huống như dịch bệnh, thiên tai, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng cháy chữa cháy (PCCC)… cho học sinh.

“Tất cả học sinh khối lớp 3 đều tham gia phổ cập bơi, hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu...; tham gia phương án diễn tập PCCC tại trường, hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra đám cháy tại nhà... Ngoài ra, trường còn giáo dục cho học sinh nhiều kỹ năng xã hội cần thiết khác”, ông Lê Ngọc Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (Quận 4, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Đối với học sinh lớp 1, năm học 2020-2021 là năm thực hiện chương trình sách giáo khoa mới (SGK). Nếu đặt giả thiết phải tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19, chuyển sang học trực tuyến, sẽ gặp những khó khăn nhất định. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh từ mầm non lên vào học lớp 1, bắt đầu năm học ngay (nhập học và bước vào học theo chương trình từ tháng 9/2020), không có thời gian 2 tuần để làm quen với lớp 1 như mọi năm, nên cũng đã có những ảnh hướng nhất định đối với việc dạy, học.

Tuy nhiên, khi học sinh đã đi vào nền nếp, tính đến thời điểm này, giáo viên đã bắt nhịp và chủ động với nội dung giảng dạy theo bộ sách giáo khoa mới. Đây là một thuận lợi nếu đặt trong giả thiết phải học trực tuyến, giáo viên lớp 1 cũng đã có kinh nghiệm, phương pháp truyền đạt cô đọng, ngắn gọn các nội dung theo yêu cầu của từng bài học qua việc dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1.

Theo ông Lê Ngọc Phong, với một số em học chậm, giáo viên cần tăng cường trao đổi trực tiếp với phụ huynh mỗi ngày, để nắm bắt tình hình học tập và hướng dẫn cụ thể để đảm bảo các em tiếp thu được bài học theo yêu cầu./.

Quang Huy

Quang Huy

© Thời báo Tài chính Việt Nam