10 năm, chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 16.758 tỷ đồng

18:37 | 24/11/2020 Print
Trong 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,8 triệu ha.

rừng

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Khánh Linh

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tổ chức hội thảo quốc gia “Đánh giá 10 năm ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam".

Ông Nguyễn Chiến Cường - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trở thành nguồn tài chính bền vững, huy động nguồn vốn từ xã hội, góp phần vào gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp cũng như tăng trưởng GDP. Nguồn tài chính này đã góp phần trong việc quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, sinh kế bền vững cũng như nâng cao nhận thức cho người dân.

Theo đó, trong 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,8 triệu ha; trong đó rừng đặc dụng chiếm 18,8%, rừng phòng hộ 40,5%, rừng sản xuất 40,7%.

Đối tượng được hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng là hộ gia đình, cộng đồng, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng.

Ông Phạm Hồng Lượng- Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên khẳng định, trong 10 năm qua, dịch vụ môi trường rừng có tác động lớn, thu hút được người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng chiếm tỷ trọng tương đối, khoảng 27% tổng nguồn kinh phí duy trì mọi hoạt động của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chiến Cường cũng cho hay, thu dịch vụ môi trường rừng còn một số khó khăn, tồn tại như: Một số loại dịch vụ môi trường rừng chưa có quy định thu như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cácbon; mức chi trả vẫn còn thấp hơn so với giá trị dịch vụ môi rừng tạo ra như chỉ 36 đồng/kWh đối với cơ sở sản xuất thủy điện, 52 đồng/m3 đối với cơ sở sản xuất nước sạch; có sự chênh lệch mức chi trả giữa các tỉnh và lưu vực vì phụ thuộc vào người sử dụng môi trừng rừng và vị trí lưu vực…

Tại hội thảo các đại biểu cho rằng, giai đoạn 2021 - 2030, Nhà nước cần có giải pháp phù hợp để thu hút cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và phục hồi rừng. Cơ chế dịch vụ môi trường rừng cũng cần được triển khai đồng thời với chương trình phát triển sinh kế.

Cụ thể, cần hoàn thiện pháp lý để bổ sung nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trưởng rừng; tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng quản lý cơ sở dữ liệu về rừng; có chính sách phát triển rừng trồng một cách hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hơn trong việc cụ thể hóa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào đặc thù mỗi địa phương.../.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam