Các nước ‘tăng tốc’ sản xuất vaccine COVID-19

10:25 | 08/09/2020 Print
Trong khi Nga sẽ thử nghiệm xong loại vaccine phòng COVID-19 trong tuần này thì Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định các nước thuộc khối này sẽ nhận được lô vaccine đầu tiên vào cuối năm.

vac

Ảnh minh họa

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 7/9 cho biết, nước này sẽ cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các tình nguyện viên trong tuần này, một phần trong công tác thử nghiệm sau khi đăng ký vaccine.

Cùng ngày, Nga thông báo sẽ hoàn tất thử nghiệm giai đoạn đầu của một vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 thứ 2 vào ngày 30/9.

Hãng tin RIA của nước này dẫn nguồn tin từ Ủy ban An toàn y tế của Nga cho biết loại vaccine thứ 2 phòng COVID-19 này do Viện Vector của Nga sản xuất.

Tháng trước, Nga tuyên bố phát triển thành công vaccine phòng COVID-19 có tên là Sputnik V. Các nhà khoa học Nga vừa qua đã công bố báo cáo kết quả 2 cuộc thử nghiệm ở quy mô nhỏ với 76 người trong độ tuổi từ 18 đến 60 và có sức khỏe bình thường. Theo đó, những bệnh nhân tham gia giai đoạn đầu thử nghiệm vaccine Sputnik V đã phát triển kháng thể mà không gặp bất cứ phản ứng nghiêm trọng nào.

Cùng ngày, Công ty BioNTech của Đức tuyên bố đang mở rộng phạm vi nghiên cứu toàn cầu của vaccine ngừa COVID-19, bao gồm việc tiến hành thử nghiệm ngay tại Đức.

Viện Paul Ehrlich, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các loại vaccine tại Đức, đã cho phép tiến hành giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vaccine BNT162b2 mà BioNTech và Pfizer đang hợp tác bào chế.

Công tác thử nghiệm trên toàn cầu đã được triển khai từ tháng 7 với kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của 120 khu vực và 30.000 người. Ước tính, hơn 25.000 người đã tham gia chương trình.

BioNTech hy vọng có thể xin phép phê duyệt vaccine BNT162b2 sớm nhất là vào tháng 10 tới.

Cũng trong ngày 7/9, Công ty dược phẩm Fosun Pharmaceutical ở Thượng Hải, Trung Quốc thông báo đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sinopharm nhằm cung cấp vaccine ngừa COVID-19 do BioNTech sản xuất.

Tháng trước, BioNTech đã thông báo thỏa thuận tiềm năng với Fosun Pharma về việc cung cấp 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Macau.

Thông cáo báo chí của Fosun Pharma nêu rõ cùng với Sinopharm, 2 doanh nghiệp Trung Quốc này sẽ phối hợp thiết lập một hệ thống chuỗi nguồn cung lạnh nhằm bảo quản và phân phối vaccine.

Trong khi đó, một đơn vị của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc, công ty mẹ của Tập đoàn Sinopharm Group, cũng đang thử nghiệm 2 loại vaccine trên người và cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Châu Âu tiếp nhận liều vaccine đầu tiên vào cuối năm

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 7/9 cho biết các quốc gia thành viên Liên minh châu (EU) sẽ nhận được những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối năm nay.

Phát biểu trước Ủy ban Y tế Cộng đồng thuộc Nghị viện châu Âu, Phó Tổng Vụ trưởng về Y tế và An ninh Lương thực của EC, bà Sandra Gallina tuyên bố: “Có lẽ từ nay tới cuối năm, vào tháng 11 hoặc tháng 12, chúng ta bắt đầu nhận được những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên”.

Cũng theo bà Gallina, vào khoảng giữa tháng 4/2021, vaccine phòng COVID-19 sẽ được cung cấp rộng rãi tại châu Âu.

Nhân danh các quốc gia thành viên, EC đã đàm phán với các hãng dược phẩm về các hợp đồng cung cấp vaccine. Hợp đồng đầu tiên đã được ký kết với số lượng 300 triệu liều và lựa chọn bổ sung 100 triệu liều vacicne giữa EC và Tập đoàn AstraZeneca.

Ngoài ra, EC cũng đã đàm phán xong với các Tập đoàn Sanofi-GSK, Johnson & Johnson, CureVac, Moderna và hiện đang đàm phán với BioNtech.

Bà Gallina đánh giá vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, Moderna và BioNtech sẽ là những loại vaccine đầu tiên được đưa ra thị trường.

Các công ty này đã chuyển các thông tin cần thiết về vaccine phòng COVID-19 cho EU, trong đó có cả thông báo về việc tiến hành thương mại hóa vaccine.

Để có được quyền mua vaccine phòng COVID-19, EC đã phải thanh toán trước cho các hãng dược phẩm để chi trả một phần cho các rủi ro về đầu tư và để giúp tăng cường khả năng sản xuất vaccine.

Tuy nhiên, khi vaccine đã sẵn sàng được cung cấp thì chính các nước thành viên EU sẽ phải mua và quyết định nhóm đối tượng nào sẽ được tiêm phòng đầu tiên.

Theo Chinhphu.vn

Theo Chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam