Triển khai hệ thống giao thông thông minh tại 100% tuyến cao tốc

19:27 | 20/08/2020 Print
(TBTCVN) - Chính phủ mới ký quyết định phê duyệt đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải (GTVT), tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”.

gt

Hệ thống giao thông thông minh giúp quản lý và điều khiển các phương tiện đồng bộ, hiệu quả hơn.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, xác định 100% các tuyến cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS). Đến năm 2030, hệ thống ITS được triển khai rộng khắp trên mạng lưới giao thông đường bộ...

Vai trò quan trọng, giúp đảm bảo An toàn giao thông


Theo Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (CNTT) (Bộ GTVT) Lê Thanh Tùng, tổng kinh phí thực hiện đề án là 1.115 tỷ đồng từ ngân sách vhà nước, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển được cân đối hàng năm cho các bộ, ngành, địa phương; kinh phí tự cân đối và huy động hợp pháp khác của các đơn vị thuộc đối tượng tham gia đề án; kinh phí tài trợ từ các nước và tổ chức quốc tế.

ITS có vai trò quan trọng, giúp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), giúp cơ quan quản lý phản ứng kịp thời với các sự cố trên cao tốc. Bên cạnh đó, người dân lưu thông cũng sẽ tiếp cận được dịch vụ thông tin thông suốt. Hiện tại, trong số 1.000km cao tốc hiện có, một số đoạn đã được đầu tư hệ thống ITS như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, TP. HCM - Trung Lương, Long Thành - Dầu Giây. Trong 5 năm tới, các tuyến cao tốc mới như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai cũng sẽ được đầu tư hệ thống ITS song hành cùng quá trình xây dựng. Đối với những tuyến chưa đầu tư như Hà Nội - Lào Cai, đề án cũng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh.

3 trung tâm khu vực tại 3 miền Bắc - Trung - Nam sẽ được xây dựng để chia sẻ thông tin với trung tâm điều hành đô thị thông minh của các thành phố. Người dân di chuyển từ các thành phố lớn đi các tỉnh và ngược lại sẽ biết về tình trạng giao thông trong nội đô và cả trên cao tốc thế nào; các bãi đỗ còn chỗ không, đang ùn tắc ở đâu để lựa chọn phương tiện hay lộ trình phù hợp.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ trong quản lý, điều hành theo hướng đồng bộ, hiện đại như hệ thống giao thông thông minh; thu phí điện tử; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm ATGT. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên mới chỉ triển khai ở phạm vi hẹp hoặc thí điểm. Do đó, các ứng dụng CNTT thiếu đồng bộ, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung, khó khăn trong chia sẻ, tích hợp số liệu phục vụ quản lý, điều hành của ngành. Hiện, hầu hết các tuyến cao tốc đã triển khai ITS. Đối với các tuyến chưa triển khai, Chính phủ đã cho chủ trương bằng việc phê duyệt đề án nên việc đầu tư sẽ thuận lợi.

Triển khai để đề án sớm đi vào cuộc sống

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện ITS, hệ thống thu phí cho dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây chuyển đổi phương thức đầu tư sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, theo Nghị quyết số 117/2020 của Quốc hội, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 6 khẩn trương bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hệ thống ITS của từng dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt cho các Ban QLDA 7, Thăng Long triển khai thực hiện phù hợp với dự án đầu tư. Các ban QLDA 7, Thăng Long kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán hệ thống ITS và các tài liệu liên quan, kịp thời cập nhật, đề xuất điều chỉnh, bổ sung (nếu có) các nội dung liên quan về trình tự thủ tục đầu tư, công nghệ, thiết bị... phù hợp, tuân thủ quy định.

Đối với 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT giao Vụ Đối tác công tư chủ trì tham mưu Bộ GTVT về phương án quản lý vận hành, đầu tư hệ thống Back - End, tổ chức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện thu phí điện tử không dừng đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA 7 nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Bộ GTVT về phương án đầu tư phần mềm hệ thống ITS, hệ thống thu phí, sử dụng cho 3 dự án chuyển đổi sang đầu tư công, tiến tới sử dụng cho toàn bộ các dự án thành phần trên tuyến cao tốc phía Đông, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Vụ Khoa học công nghệ rà soát, tham mưu Bộ GTVT toàn bộ các nội dung liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện hệ thống ITS, thu phí đảm bảo phù hợp với thực tế, tuân thủ quy định.

Về trung tâm điều hành khu vực và phương án thu hồi vốn cho các dự án đầu tư công, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất trình đề án xây dựng quản lý vận hành khai thác đối với hệ thống ITS, thu phí, phương án đầu tư xây dựng trung tâm điều hành khu vực cho các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói riêng và các dự án cao tốc nói chung trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả ngân sách nhà nước đối với các dự án thành phần đầu tư sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước.

3 trung tâm khu vực tại 3 miền Bắc - Trung - Nam sẽ được xây dựng để chia sẻ thông tin với trung tâm điều hành đô thị thông minh của các thành phố. Người dân di chuyển từ các thành phố lớn đi các tỉnh và ngược lại sẽ biết về tình trạng giao thông trong nội đô và cả trên cao tốc thế nào; các bãi đỗ còn chỗ không, đang ùn tắc ở đâu để lựa chọn phương tiện hay lộ trình phù hợp.

Trí Dũng – Văn Nam

Trí Dũng – Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam