Nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo lái xe

10:23 | 29/05/2020 Print
(TBTCVN) - Trải qua 25 năm, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ngày càng hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.

Trung tâm sát hạch lái xe của Trường trung cấp nghề Giao thông Vận tải Hưng Yên. Ảnh: Đào Ban

Trung tâm sát hạch lái xe của Trường trung cấp nghề Giao thông Vận tải Hưng Yên. Ảnh: Đào Ban

Tuy nhiên, thời gian tới, công tác này vẫn cần được khắc phục, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đầu ra của học viên và ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện.

Tiếp tục khắc phục tồn tại

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện ngành GTVT đã quản lý sát hạch, cấp bằng lái xe được 25 năm. Bên cạnh đó, ngành GTVT cũng đổi mới quản lý giấy phép lái xe; áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong việc đổi giấy phép lái xe quốc tế và thực hiện trả kết quả thủ tục hành chính đến người dân qua dịch vụ bưu chính công ích. Trải qua 25 năm, ngành GTVT cũng đã xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn; các quy trình quản lý trong đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Những việc đang vận hành phù hợp với thực tế, người dân đồng thuận thì nên để vận hành ổn định, nếu thay đổi sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến bộ máy, công tác đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ vận hành ở ngành công an, có thể sẽ gây tốn kém, lãng phí.

Cũng theo ông Quyền, nhờ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, hệ thống cơ sở đào tạo lái xe đã tăng cả về số lượng và chất lượng, không ngừng hoàn thiện về tiêu chuẩn ngày một nâng cao, đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại cần khắc phục để công tác này ngày càng hoàn thiện hơn.

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên thế giới đa số các nước đều do cơ quan dân sự thực hiện. Nếu công tác quản lý vẫn còn một số lỏng lẻo hoặc nội dung sát hạch chưa đầy đủ thì Bộ Công an vẫn có quyền góp ý để chương trình sát hạch thực hiện làm sao cho chặt chẽ. Còn thực tế hiện tại, vấn đề đào tạo, sát hạch đang được Bộ GTVT quản lý ổn định và phù hợp với xu hướng của xã hội. Thêm vào đó, với hiện trạng công nghệ thông tin phát triển, hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, xử phạt…, nếu các cơ quan phối hợp tốt sẽ mang lại hiệu quả cao.

Chuyển biến theo hướng tích cực

Ông Phạm Hữu Trí – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Ngọc Hà (Mê Linh, Hà Nội) nhận xét, với các quy định trong đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay, nếu vượt qua, học viên hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu căn bản khi lái xe ngoài đường trường. Đầu ra về đào tạo lái xe của Việt Nam hoàn toàn tốt và đáp ứng được đòi hỏi, vì trong sân sát hạch đã đầy đủ các tình huống, đánh giá rất tốt.

Còn ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đánh giá, trong công tác quản lý đào tạo lái xe, qua một quá trình thực hiện, ngành GTVT đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực và được xã hội ghi nhận. Cụ thể, sau nhiều lần biên soạn bộ giáo trình đào tạo lái xe, hiện nay ngày càng đi sát với thực tiễn, nội dung và số giờ học lái xe cung cấp đầy đủ kiến thức về pháp luật và kỹ năng cho người học.

Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo cũng nâng tầm hơn với nhiều chương trình như đưa vào sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, trang bị cabin điện tử và thiết bị giám sát thời gian, quãng đường học. Đồng thời, ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi, các trung tâm sát hạch lái xe cũng đã lắp đặt camera giám sát đầy đủ để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Điều này cho thấy ngành GTVT đã thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ngày càng nâng cao hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường bộ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Trong đó, lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe do đơn vị nào quản lý thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Quốc hội. Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 328 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và 121 trung tâm sát hạch lái xe...

Việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên thế giới đa số các nước đều do cơ quan dân sự thực hiện. Nếu công tác quản lý vẫn còn một số lỏng lẻo hoặc nội dung sát hạch chưa đầy đủ thì Bộ Công an vẫn có quyền góp ý để chương trình sát hạch được thực hiện chặt chẽ.

Trí Dũng - Văn Nam

Trí Dũng - Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam