Hà Nội tìm giải pháp giảm ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu

14:10 | 13/08/2019 Print
Quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

a

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh:Ngọc Hoa.

Sáng 13/8, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Huy động các sáng kiến xanh cho Hà Nội – Từ câu chuyện của Seoul đến các địa phương”, do Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&learn), Hội đồng quốc tế về các sáng kiến môi trường địa phương (ICLEI) phối hợp tổ chức.

Theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội năm 2019 đã lên tới 8,05 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm đến 40%. Toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, trên 13.000 làng nghề; 5,4 triệu xe gắn máy và 550 ngàn xe máy. Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ ước tính trên 60 triệu kwh điện, hàng triệu lít xăng dầu, gánh chịu 65.000 tấn rác thải sinh hoạt,… Đây chính là những nguồn chính phát thải gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ những giải pháp và huy động nỗ lực và cam kết của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức và chính quyền thành phố Hà Nội trong các lĩnh vực ưu tiên.

Trong phần đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Seoul trong xây dựng thành phố xanh, TS. Youngsoo Choi - Khoa Nghiên cứu khí hậu và môi trường, Đại học Sookmyung, Nguyên Giám đốc Khí hậu và Giám đốc Chất lượng Không khí của chính quyền TP.Seoul (Hàn Quốc) cho biết, Seoul là đô thị đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công dự án của ICLEI về xây dựng thành phố xanh. Phương châm tôn trọng người dân là một trong những điều quan trọng ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Cũng giống như Seoul, Hà Nội có mục tiêu phát triển bền vững vì vậy cần phải quan tâm, đặt yếu tố con người lên hàng đầu. Hà Nội cũng cần có sự hợp tác với các thành phố khác, vì vấn đề ô nhiễm không riêng một thành phố nào.

Cùng với đó, cần phải xây dựng các nghị định, chính sách về bảo vệ môi trường, tìm ra các nguồn năng lượng sạch và phát minh ra các cách tái tạo năng lượng, ví dụ như dùng năng lượng pin mặt trời, đi cùng nó là các dự án xanh như trồng nhiều cây nhằm giảm khí thải nhà kính.

Hội thảo cũng đưa ra những sáng kiến, giải pháp xung quanh vấn đề quy hoạch đô thị về xây dựng và giao thông. Các sáng kiến từ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội cho không gian xanh trong cộng đồng và thiết kế công trình xanh, các giải pháp về quy hoạch giao thông từ đường đi bộ tới trường an toàn cho tới sáng kiến đô thị thông minh cho xe đạp – xe buýt.

Ông Bùi Duy Cường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục cam kết thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, rà soát các quy hoạch phát triển có tính đến yếu tố thích nghi với biến đổi khí hậu, ưu tiên các dự án đầu tư và xây dựng thân thiện với môi trường, tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững hướng tới Thành phố carbon thấp”.

Cũng tại hội thảo, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ thực hiện 2 dự án thí điểm tại phường Nghĩa Tân – quận Cầu Giấy. Bên trong dự án sẽ là tổ hợp tất cả các dự án liên quan đến việc hạn chế tối đa rác thải. Mục tiêu có thể huy động sự đồng thuận, cam kết của chính quyền địa phương và sau đó hỗ trợ địa phương xây dựng các thể chế cũng như chương trình hành động để đạt được lời hứa xây dựng thành phố xanh của mình./.

Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” do ICLEI sáng lập, được tài trợ bởi Bộ Môi trường và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMU) thông qua chương trình sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI). Dự án tập trung vào những thành phố lớn của các nước trong khu vực Đông Nam Á có nguy cơ bị tổn thương cao do biến đổi khí hậu, như: Indonesia, Philippines và Việt Nam, đưa ra kế hoạch hành động theo mục tiêu cụ thể. Đồng thời tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương để xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai. Hà Nội là địa điểm đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn để triển khai. Tháng 10/2017, TP. Hà Nội chính thức tham gia vào dự án này. Trong khuôn khổ thực hiện, dự án sẽ tập trung xây dựng những cam kết giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.

Ngọc Hoa

Ngọc Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam