Hơn 2.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm"

13:52 | 06/08/2018 Print
6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, đã xử lí hình sự 538 vụ với 579 đối tượng. Tính chất vụ việc, bạo lực xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

tt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đứng giữa) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, ngày 6/8. Ảnh: Anh Tuấn.

Thông tin được nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em tại hơn 600 điểm cầu với sự tham gia của hơn 18.000 đại biểu các cấp do Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức ngày 6/8. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì hội nghị.

Trẻ bị xâm hại bởi người thân chiếm tỷ lệ cao

Theo báo cáo của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Qua đó, lực lượng công an đã xác minh, điều tra xử lý hình sự 538 vụ với 579 đối tượng, xử lý hành chính 55 vụ và đang điều tra 127 vụ.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, do đó những con số được nêu ra có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.

Tính chất vụ việc, bạo lực xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức như: hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi...

Xâm hại trẻ em, không thể dung thứ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức và xã hội. "Chúng ta không những đau xót mà lên án những hành vi xâm hại trẻ em, chúng ta đau xót khi mỗi năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em từ vong do đuối nước hoặc bị bạo lực. Do đó, các cấp, các ngành phải coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý xã hội, giáo dục cộng đồng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước thực tế công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời, việc bố trí nguồn lực còn rất hạn chế, còn nhiều hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, một số vụ việc xử lí kéo dài và chưa nghiêm,Thủ tướng cho rằng phải coi đây là nhiệm vụ hàng ngày của các địa phương, của ngành, nhà trường và xã hội.

"Sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và môi trường sống tốt, lành mạnh cho trẻ là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Trẻ em là những "thông điệp sống" mà chúng ta gửi gắm vào tương lai, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, mỗi cộng đồng dân cư và gia đình". Thủ tướng nhấn mạnh.

Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các cấp ở địa phương cơ sở phải nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm đầy đủ các quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em.

Cùng với đó là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần quan tâm bố trí nguồn lực vật chất và con người cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện.

Thủ tướng cũng giao Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp, các ngành phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em và thực hiện phong trào này song song, lồng ghép với Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa./.

Mai Đan

Mai Đan

© Thời báo Tài chính Việt Nam