Đề xuất 4 phương án giải quyết nợ BHXH của doanh nghiệp phá sản

18:24 | 04/04/2017 Print
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và đề xuất 4 phương án bảo vệ quyền lợi BHXH của người lao động tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn.

Theo phương án 1, số tiền nợ BHXH còn thiếu, ngân sách nhà nước đóng bù. Với phương án này, quyền lợi về BHXH của người lao động được đảm bảo đúng nguyên tắc đóng hưởng.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về BHXH thì ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tiền đóng đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện, không quy định hỗ trợ đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Quy định này có thể sẽ tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng, nợ đóng BHXH.

Phương án 2 được Bộ đề xuất là trường hợp số tiền nợ BHXH còn thiếu thì sẽ dùng Quỹ BHXH đóng bù. Với phương án này, ngoài quyền lợi về BHXH của người lao động được đảm bảo thì ngân sách nhà nước không phải bố trí một khoản kinh phí đảm bảo tiền nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản.

Tuy nhiên, phương án này lại không đảm bảo đúng nguyên tắc đóng hưởng theo quy định của Luật BHXH. Đồng thời, cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH.

Một phương án khác cũng được Bộ đưa ra trong trường hợp nếu thu hồi được nợ sau thanh lý tài sản của doanh nghiệp thì mới xác nhận thời gian đã đóng BHXH cho người lao động. Phương án này cũng đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng cũng như ngân sách nhà nước không phải bố trí một khoản kinh phí đảm bảo tiền nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp phá sản.

Tuy nhiên, quyền lợi về BHXH của người lao động sẽ không được đảm bảo, có thể xảy ra trường hợp người sử dụng lao động đã trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan BHXH.

Phương án cuối cùng Bộ đề xuất là dùng tiền lãi thu được từ các doanh nghiệp chậm đóng BHXH để cấp bù cho phần nợ BHXH của doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn còn nợ.

Bộ LĐ-TBXH nhận định, 3 phương án đầu có thể khó thực hiện. Cụ thể, phương án 1 khó khả thi trong bối cảnh khó khăn của ngân sách nhà nước, phương án 2 không đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng còn phương án 3 không đảm bảo quyền lợi người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết đang nghiêng về phương án cuối cùng. Phương án này không hoàn toàn đảm bảo đúng nguyên tắc đóng hưởng và có thể sẽ tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH.

Tuy nhiên, dù khoản tiền lãi chậm nộp cũng được nộp vào quỹ BHXH nhưng đây là khoản tiền người sử dụng lao động phải nộp thêm ngoài khoản tiền nợ BHXH (tiền lãi chậm nộp bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, nếu doanh nghiệp không nợ thì tiền đóng BHXH được đầu tư cũng chỉ được 1 lần lãi suất đầu tư quỹ BHXH).

Do đó, phương án này vừa đảm bảo được quyền lợi của người lao động, cũng không quá vi phạm nguyên tắc đóng hưởng của Luật BHXH./.

Mai Đan

Mai Đan

© Thời báo Tài chính Việt Nam