Sẽ có cơ chế cho người dân sống quanh trạm BOT ‘đặt nhầm chỗ’

16:34 | 16/03/2017 Print
Thời gian gần đây, một số trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ” lại mọc lên, tiếp tục gây bức xúc trong dư luận.

tram thu phi

Nâng cấp 12 km để thu phí hoàn vốn cho dự án khác

Trước đây, Chính phủ và Bộ GTVT đã từng phải trực tiếp “dẹp loạn” các trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ” khi nâng cấp QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bằng cách yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải giãn lộ trình tăng phí và có chính sách ưu đãi cho người dân sống quanh đó, nhưng chỉ sau một thời gian, các trạm BOT dạng này lại tiếp tục “mọc” lên.

Chẳng hạn, trạm thu phí Tam Nông đặt tại Km67+300 trên QL 32 đoạn qua huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) để thu phí hoàn vốn cho Dự án đường Hồ Chí Minh từ QL 32 đến xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) và nâng cấp mở rộng QL 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà (cũng thuộc tỉnh Phú Thọ) theo hình thức BOT là một ví dụ.

Dự án chính thức thu phí từ ngày 6/3, nhưng đã phải tạm dừng thu phí từ tối 14/3, sau 2 ngày người dân ở huyện Tam Nông đưa xe về phản đối với lý do trạm đặt vô lý và mức thu phí quá cao.

Cụ thể, các nhà xe cho rằng, mức thu 35.000-180.000 đồng/lượt xe là quá cao, vì toàn tuyến đường từ cầu Trung Hà tới ngã ba Phú Hộ (thị xã Phú Thọ) chỉ dài trên 35 km, trong đó QL 32 cũ đoạn từ cầu Trung Hà tới ngã tư Cổ Tiết (huyện Tam Nông) dài 12 km chỉ được sửa chữa, nâng cấp, thảm lại mặt đường.

Việc đặt trạm thu phí tại Km67+300 khiến toàn bộ phương tiện, trong đó có các xe khách chạy từ huyện Thanh Sơn, huyện Tân Sơn về bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) và đi theo chiều ngược lại phải đóng phí hoàn vốn cho cả tuyến đường dài 36 km, nhưng thực chất chỉ sử dụng 12 km từ ngã tư Cổ Tiết (huyện Tam Nông) tới cầu Trung Hà.

Anh Đào Đức Hiếu (xã Cổ Tiết) bức xúc: “Hoàn vốn cho tuyến đường xây mới nối QL 2 với đường Hồ Chí Minh thì đưa trạm thu phí về đó để hoàn vốn, chứ nâng cấp 12 km trên QL 32 để làm gì? Chúng tôi có đi tuyến đường mới làm kia đâu mà bắt chúng tôi phải trả phí. Như xe tải của tôi, mỗi lần qua trạm là mất 50.000 đồng”.

Tương tự, trạm thu phí BOT trên QL 3 cũ Hà Nội-Thái Nguyên-Tuyên Quang và QL 3 mới Thái Nguyên-Bắc Kạn, dù mới chuẩn bị đi vào thu phí nhưng đã gặp phải phản ứng khá dữ dội của người dân Thái Nguyên.

Nguyên nhân là do khi QL 3 gần hoàn tất, nhà đầu tư tính toán nếu chỉ trông vào trạm thu phí đặt trên QL 3 mới sẽ không đủ tiền để hoàn vốn cho dự án (thiếu khoảng 1.400 tỷ đồng). Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị với UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất bố trí trạm thu phí trên tuyến QL 3 cũ đoạn Km75-Km82. QL 3 cũ được đầu tư xây dựng bằng vốn Nhà nước, và nhà đầu tư chỉ nâng cấp một đoạn khoảng 25 km trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để thuận lợi cho việc đặt trạm thu phí hoàn vốn.

Cả hai trạm thu phí nói trên đều được đặt tại huyện Phú Lương và đang trong giai đoạn hoàn thành. Trong đó trạm BOT trên QL 3 cũ đang thu phí thử nghiệm với mức thấp nhất 35.000 đồng/lượt xe, thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 1 tháng. Còn dự kiến, trạm BOT trên QL 3 mới Thái Nguyên-Chợ Mới sẽ thu phí vào quý II/2017 với mức thấp nhất 35.000 đồng/lượt xe.

Chính vì sự vô lý này mà khi vừa đi vào thu phí thử nghiệm (từ tháng 3/2017), trạm thu phí trên QL 3 cũ đã gặp phải sự phản ứng của người dân tại huyện Phú Lương.

Sẽ có cơ chế cho người dân sống quanh trạm BOT

Để giải quyết vấn đề này, đối với trạm Tam Nông, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Thắng cho biết, chủ đầu tư và tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị, miễn thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với ô tô 7 chỗ trở xuống (không kinh doanh vận tải) của các chủ phương tiện có hộ khẩu thuộc các xã Hồng Đà, Thượng Nông và các cơ quan Nhà nước đóng tại huyện Tam Nông.

Tỉnh Phú Thọ cũng đề xuất giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với ô tô 7 chỗ trở xuống (không kinh doanh vận tải) của các chủ phương tiện có hộ khẩu thuộc các xã Cổ Tiết, Hương Nộn, Dậu Dương và thị trấn Hưng Hoá; giảm 50% đối với ô tô tải của các chủ phương tiện có hộ khẩu tại các xã Hồng Đà, Thượng Nông, Cổ Tiết, Hương Nộn, Dậu Dương và thị trấn Hưng Hoá.

Còn tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan vào ngày 14/3, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT là rất cần thiết phải, nhưng việc lập trạm thu phí trên QL 3 cũ “ít nhiều tác động đến đời sống của người dân các vùng lân cận” và gây bức xúc trong nhân dân.

Vì vậy, tỉnh Thái Nguyên sẽ đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư dự án và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu cơ chế, chính sách bảo đảm quyền và lợi ích của người dân lân cận khu vực đặt trạm thu phí trên tuyến QL 3 cũ theo hướng miễn, giảm phí khi đi qua trạm thu phí. Sau khi có cơ chế, chính sách miễn, giảm phí, nhà đầu tư dự án mới được tổ chức thu phí theo quy định./.

Theo chinhphu.vn

Theo chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam