Chưa có cuộc đình công nào theo đúng quy định pháp luật

14:47 | 08/09/2016 Print
Tính từ năm 2013 đến hết tháng 6/2016, cả nước xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công, nhưng tất cả đều diễn ra không tuân theo như quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Các cuộc đình công tập trung chủ yếu ở những ngành có đông lao động như dệt may, da giày, điện tử…

Đây là thông tin tại Hội thảo tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức, ngày 8/9.

Tại hội thảo, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ luật Lao động 2012 cùng với Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề về quan hệ lao động và tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam, đáp ứng một phần yêu cầu phát triển về thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

luật lao động
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: MĐ

Tuy nhiên, vấn đề giải quyết các tranh chấp lao động diễn ra phức tạp gây ra thách thức đến quá trình thực thi pháp luật lao động. Tính từ năm 2013 đến hết tháng 6/2016, cả nước xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công, nhưng tất cả đều diễn ra không tuân theo như quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012.

Các cuộc ngừng việc tập thể đình công tự phát xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…(chiếm 80%) và các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang (chiếm 15%).

Các cuộc đình công, ngừng việc tập thể xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm khoảng 75%), doanh nghiệp tư nhân (chiếm khoảng gần 25%), rất ít cuộc đình công xảy ra tại doanh nghiệp nhà nước (8 cuộc, chiếm 0,25%) và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có tỷ lệ thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày, điện tử…

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng đến nay chưa có cuộc đình công nào thực hiện theo đúng quy định của pháp luật là điều rất đáng tiếc. “Chúng ta tôn trọng quyền đình công của người lao động nhưng trong Bộ Luật Lao động thì quan điểm hiện nay là phải cố gắng hòa giải, cố gắng giải quyết tranh chấp qua hòa giải, hòa giải từ trọng tài đến tòa án, nếu không được mới tổ chức đình công”.

Luật cũng quy định, đình công là cách giải quyết cuối cùng bởi vì khi xảy ra đình công không chỉ người lao động mà doanh nghiệp đều bị thiệt, môi trường đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên thị trường lao động người lao động coi đình công là công cụ đầu tiên mà không thông qua thương lượng đối thoại khi xảy ra tranh chấp.

“Tại Việt Nam khi quan hệ lao động mới đang ở bước đầu thì đình công là con đường ngắn nhất để đáp ứng được đòi hỏi của người lao động, vấn đề này chúng tôi cũng đang tính toán để đưa ra phương án tốt hơn chứ nếu luật cứ quy định như thế này còn ngoài thực tiễn khác nhau, hai bên khác nhau thì rất khó giải quyết”, ông Phạm Minh Huân cho biết.

Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là cần một cơ chế đại diện, lựa chọn được tổ chức công đoàn, doanh nghiệp phải mạnh lên, các cơ quan nhà nước phải hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, đối thoại, thương lượng thường xuyên để giải quyết.

“Chỉ khi nào các bên không thể thương lượng, không ngồi lại được với nhau cùng các cơ chế không hỗ trợ được thì mới đình công, còn nếu chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đình công thì rõ ràng môi trường đầu tư, bản thân doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Đình công làm các đơn hàng bị ảnh hưởng, chi phí tăng lên người lao động mất việc làm và không có thu nhập”, ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh./.

Mai Đan

Mai Đan

© Thời báo Tài chính Việt Nam