Bài 1: Nông dân – thủ phạm hay nạn nhân?

09:49 | 13/04/2016 Print
Bên cạnh hai mối quan tâm lớn là “giặc ngoại xâm và giặc nội xâm” – bảo vệ chủ quyền và chống tham nhũng, thì một vấn đề khác đang được đặt lên ngang tầm vấn đề trọng đại của quốc gia – đó là an toàn thực phẩm...

rau muống bẩn

Người dân vô tư rửa rau mặc dù biết nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Ảnh TL

Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại gây bức xúc trên diễn đàn Quốc hội, Chính phủ, cũng như thường trực trong tâm trí mỗi người, mỗi nhà như lúc này. Phải chăng đây đã là “đỉnh điểm của thời kỳ ăn bẩn”? Nếu được như thế âu trong cái họa có cái phúc, bởi đã ở đỉnh rồi thì từ nay đường đồ thị sẽ đi theo chiều giảm. Chúng ta sẽ được ăn những thứ đỡ bẩn, đỡ độc hại hơn.

Nhưng ai sẽ có thể tác động làm giảm dần nguy cơ này, nếu không phải là cả hệ thống chính trị, từng cơ quan tổ chức, mỗi gia đình, cá nhân cùng vào cuộc? Từ hôm nay, TBTCO sẽ có loạt bài đề cập về an toàn thực phẩm – một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, cần được nhanh chóng cải thiện.

Những bàn tay độc

Có một thực trạng được mô tả ngắn gọn mà súc tích như thế này: “Ông trồng chè khoe họ được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán. Ông bán thịt lợn cũng vậy...

Nhưng họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác… Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi…”

Đoạn trích trên là chia sẻ của Trần Nhất Hoàng - cựu thành viên ban nhạc Bức Tường khi nhắc đến kỷ niệm về cố nhạc sỹ Trần Lập. Đoạn trích đã vẽ nên một vòng luẩn quẩn về việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm hiện nay của người dân chúng ta, có thể nói là “đầu độc lẫn nhau”. Đoạn trích này đã trở thành đề thi nghị luận của một thầy giáo dạy online, và được rất nhiều cư dân mạng quan tâm.

Thực phẩm bẩn nguy hại hơn ma túy

Ma túy thì chỉ có ít người sử dụng, còn thực phẩm thì toàn xã hội sử dụng. Hiện trên thị trường không biết đâu là thực phẩm bẩn, loại nào là thực phẩm sạch. Nếu không ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm giống nòi, tử vong và thậm chí là sự tồn vong của dân tộc.
(Ông Hà Đức Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội).

Dưới các bài viết về thực phẩm bẩn, chúng ta thường gặp những câu bình luận là: “Quân độc ác”, “phải bỏ tù hết chúng nó đi”,…

Một bạn đọc chia sẻ cảm giác của mình khi chứng kiến những hành động được cho là “tội ác” của người nông dân như sau:

“Năm 1997, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy hình ảnh bà con nông dân tham gia vào việc đầu độc cuộc sống bản thân và đồng loại – một cách vô thức, đấy là khi ngồi xem một phóng sự bà con tưới rau muống từ nguồn nước thải của nhà máy pin Văn Điển, được phát sóng trên thời sự của VTV. Ở thời điểm này, phóng sự đã gây ra cú sốc cho chính những người thực hiện phóng sự”.

Chuyện đã qua 19 năm, cũ nhưng lại không hề cũ, vì chỉ vừa tuần trước thôi, rất nhiều người bức xúc với đoạn clip phát trên mạng cũng như trên VTV, có hình ảnh người dân đang rửa hành, rửa rau tại con kênh chảy qua cánh đồng của họ - rửa bằng một thứ khó có thể gọi là nước, bởi bẩn không thể nào bẩn hơn, xét cả về chỉ tiêu hóa lý hay y học…

Nhưng những người nông dân ăn rau sạch tự tay mình trồng và ăn thịt sạch do chính mình nuôi, họ có thoát được căn bệnh ung thư quái ác hay không? Câu trả lời là không! Không những thế, người ta có thể tìm ra những “làng ung thư” dễ dàng. Không tin, chúng ta thử vào thăm mấy bệnh viện chuyên chữa bệnh ung thư tại Hà Nội, sẽ thấy rất nhiều những cặp mắt ngơ ngác lần đầu ra thành phố, thấy những bàn chân chai sần nứt nẻ và nước da nâu bóng dãi dầu “chuẩn nông dân”. Vì sao vậy?

Vì những dòng nước đen sánh được tưới lên ngọn rau muống xanh mướt có chất thải độc hại đó bủa vây ngôi làng của họ, khiến bà con ăn nước giếng khoan lọc mấy lần lọc vẫn nhớt. Khu công nghiệp thi nhau mọc lên trên đất lúa như báo cáo thành tích cho địa phương, nhưng sự ô nhiễm mà nó thải ra và người dân phải hứng chịu thì không khi nào được ghi vào bảng thành tích đó.

Nào khói bụi, nào nước thải, khí thải… độc chất trong đất, trong nước, trong không gian khiến cho cá chết trắng sông, cây héo rũ thì người làm sao không bệnh tật?

Hãy để cho nông dân được làm người tốt!

Nhìn cảnh người dân rửa hành, rau để bán bằng nước thải độc và bẩn, bản thân người viết bài này không thấy hận mà thấy thương họ hơn.

Họ đâu có chủ định đầu độc người khác? Họ cũng phải khốn khổ khi hít phải mùi hôi thối và chất bẩn độc ngấm vào chân tay đấy thôi!?

Vẫn dòng kênh ấy mấy chục năm họ tưới rau, rửa rau, nhưng nay chúng đã trở thành dòng kênh đen, dòng kênh chết. Bởi những nhà máy thi nhau xả thẳng chất thải độc hại; bởi những trại lợn nghìn con nuôi công nghiệp cũng xả thẳng phân và nước bẩn xuống dòng kênh; và việc thu gom rác ở miền quê vốn là công việc xa xỉ ít người lo đến, nên những con gà, vịt chết và chai thuốc trừ sâu vô tư nằm dưới kênh mương. Có những con cá sống trong mương câu lên rồi không ai dám ăn; cũng như thế, có những vạt rau không ai dám hái.

Người dân chưa hiểu hết mình phải làm thế nào để môi trường sạch. Bởi việc tự giác là rất khó, khi chúng ta được học ròng rã nhiều năm trong nhà trường, và ngoài phố giăng đầy khẩu hiệu, cũng như bố trí rất nhiều thùng rác, nhưng không thiếu những người thị thành nhìn rất lịch lãm mà vẫn xả rác vô tư.

Chỉ người dân thôi liệu có thể làm sạch hết môi trường sống của làng quê họ?

Bỗng dưng tôi mong đừng đô thị hóa thôn quê nhanh như thế, để cho những dòng kênh trở lại “xanh xanh”, “êm ả lướt trôi”, ngọt ngào như trong lời hát, và cũng ngọt ngào như chính nó, những ngày đầu mang sự sống đến cho ruộng đất quê hương.

Nếu quanh ruộng đồng có những con kênh trong xanh như thế, ai cũng muốn rửa rau ở đó, sạch cho mình và cho mọi người. Lúc đó có muốn làm dối, làm bẩn cũng đâu có dễ./.

Hoàng Giang

Hoàng Giang

© Thời báo Tài chính Việt Nam