Vi phạm bản quyền: Những cảnh báo nghiêm khắc trước TPP

16:23 | 30/10/2015 Print
Theo số liệu của cơ quan thanh tra của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam vào khoảng 80%, khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

vi pham ban quyen

Nhận thức về việc sử dụng các sản phẩm có bản quyền ở nhiều DN còn chưa cao nên đoàn thanh tra vẫn tìm thấy phần mềm vi phạm với số lượng lớn

Vi phạm bản quyền đã trở thành vấn nạn khá nhức nhối ở nước ta trong nhiều năm gần đây. Các chuyên gia cảnh báo, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn thờ ơ với các vấn đề Sở hữu trí tuệ có thể gây ra các hậu quả khiến họ bị giải thể, hoặc phá sản trong thời gian tới, nếu họ không tuân thủ các quy định của TPP…

Cảnh báo nghiêm khắc với vấn nạn vi phạm bản quyền

Giữa tháng 10 vừa qua, Đoàn thanh tra liên ngành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phòng C50, Tổng Cục cảnh sát – Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 phòng game lớn của Công ty TNHH Cyber Core Technology trên đường Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3 và đường Thành Thái, Phường 4, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

Đoàn thanh tra phát hiện một lượng lớn các phần mềm máy tính vi phạm bản quyền ở 2 địa điểm của Cyber Game, tổng cộng lên tới 220 phần mềm Microsoft Windows 7 Ultimate 64 bit, 221 phần mềm Microsoft Windows 7 Ultimate 32 bit và 389 phần mềm Microsoft Office 2007 Enterprise.

Cuộc thanh tra là một phần của chiến dịch nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp ở Việt Nam về Sở hữu Trí tuệ (SHTT). Theo số liệu của cơ quan thanh tra của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam còn khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Do đó các cơ quan chức năng nỗ lực thanh tra để giảm tỷ lệ này xuống còn 70% trong những năm tới.

Các cuộc thanh kiểm tra trong năm nay được xem là một biện pháp đốc thúc, nhắc nhở hơn là tìm lỗi để xử phạt, vì kế hoạch thanh tra đã được thông báo rộng rãi trước đó.

Trước khi thực hiện kế hoạch thanh tra việc sử dụng phần mềm có bản quyền trên diện rộng, cơ quan chức năng đã gửi công văn thông báo đến một số doanh nghiệp, tổ chức để họ mua phần mềm có bản quyền để sử dụng, tránh tình trạng bị phạt khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.

Tuy nhiên, nhận thức về việc sử dụng các sản phẩm có bản quyền ở nhiều DN còn chưa cao, nên đoàn thanh tra vẫn tìm thấy phần mềm vi phạm với số lượng lớn.

SHTT là một vấn đề đau đầu cho các cơ quan chức năng và DN khi hội nhập TPP. Khi TPP chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt các rủi ro liên quan đến quyền SHTT.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phá sản và giải thể nếu như không chuẩn bị trước để đáp ứng các quy định về SHTT trong TPP. Đây là một lời cảnh báo nghiêm khắc hơn bao giờ hết.

“Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp thường đối phó bằng cách chỉ mua một số ít phần mềm có bản quyền. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra được đẩy mạnh trong thời gian tới sẽ buộc tỷ lệ các doanh nghiệp phải sử dụng phần mềm có bản quyền tăng lên", ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

“Lâu nay, việc sử dụng phần mềm không bản quyền giúp doanh nghiệp Việt Nam đỡ tốn kém, sự cạnh tranh có lợi thế dù là lợi thế không hợp pháp. Tuy nhiên, khi tham gia TPP không thể trốn tránh việc sử dụng phần mềm bản quyền, chi phí của doanh nghiệp tăng lên, sức cạnh tranh sẽ giảm đi”, Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.

Cân nhắc cái lợi trước mắt và cái hại lâu dài

Trong nhiều năm trở lại đây, các máy tính ‘trắng’ – chưa tải bất kì phần mềm nào - được nhập khẩu về Việt Nam và sau đó được các nhà bán lẻ cài đặt các phần mềm không bản quyền nhằm mục đích giảm thiểu chi phí cho khách hàng khi mua. Điều này được xem là hành vi xâm phạm luật SHTT nghiêm trọng.

Theo một số khảo sát, hầu hết các máy tính cài sẵn các phần mềm không bản quyền đều chứa virus. Người sử dụng máy tính có các phần mềm độc hại này có thể có thể bị mất dữ liệu, bị theo dõi khi virus xâm nhập vào webcam, bị mất mát tiền bạc khi virus đánh cắp mật khẩu và tài khoản ngân hàng để truy cập vào thông tin sổ tiết kiệm, hoặc cả hệ thống hoàn toàn bị xâm nhập. Các vi phạm về trách nhiệm pháp lý như sử dụng phần mềm bất hợp pháp còn bị coi là tội phạm theo luật Việt Nam.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần nhận thức được mối các đe dọa về an ninh mạng không an toàn.

Trong 6 tháng đầu năm đã có 23.605 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam, và các virus này đã lây nhiễm gần 31 triệu máy tính, theo một báo cáo của BKAV. Những con số này gióng lên một hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam về việc sử dụng các phần mềm hợp pháp để được đảm bảo an toàn, bảo mật cao và liên tục cập nhật các phiên bản mới nhất.

Hơn nữa, Chính phủ đang xem xét xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự trong đó quy định rất rõ những tội danh liên quan đến SHTT và khung hình phạt đối với tội danh này. Hiện nay, các vụ vi phạm bản quyền chủ yếu xử lý bằng xử phạt hành chính, nhưng theo TPP, các vi phạm này phải xử lý hình sự.

Có một thực tế không nhiều người biết rằng mua máy tính cài sẵn Windows bản quyền là cách tiết kiệm nhất để sở hữu một chiếc máy tính và phần mềm Windows có bản quyền.

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia và sắp tới sẽ thực thi TPP, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp với mức đầu tư ban đầu ít hơn, nhưng có nguy cơ cao bị phạt tiền với số lượng lớn, mất dữ liệu dẫn tới mất chi phí cao để phục hồi, khả năng bị kiện ra tòa, ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu. Hoặc là mua phần mềm hợp pháp với mức đầu tư ban đầu cao hơn nhưng lại có lợi ích lâu dài như được hỗ trợ kĩ thuật 24/7, được đảm bảo về mặt bảo mật và an toàn cho dữ liệu, tài liệu, luôn được cập nhật các phiên bản mới nhất, luôn yên tâm với sản phẩm chất lượng cao...

Bên cạnh đó, sử dụng các sản phẩm SHTT là một cách đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Một doanh nghiệp thông minh sẽ sáng suốt khi quyết định cán cân nên nghiêng về bên nào./.

Hồng Minh

Hồng Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam