Gặp người phụ nữ kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập

18:32 | 01/09/2015 Print
(TBTCVN) - Giáo sư Lê Thi năm nay đã 90 tuổi. Bà là người cùng với bà Đàm Thị Loan vinh dự được chọn kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2.9.1945. Dù tuổi cao nhưng cảm xúc về ngáy ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức của bà.

giao du le thi

Giáo sư Lê Thi đã bước sang tuổi 90 nhưng trí nhớ của bà vẫn còn tốt.

Ngày 2/9 năm đó luôn sống mãi…

Tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm trền phố Ngô Quyền (Hà Nội) để nghe Giáo sư Lê Thi kể về cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như niềm vinh dự của mình khi được kéo lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên quảng trường Ba Đình trong ngày 2.9.1945. Bà nhớ lại: đầu tháng 8/1945, bà chính thức tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm cán bộ Hội Phụ nữ Hoàn Kiếm. Nhiệm vụ của bà là đi vận động phụ nữ đóng góp tiền của cho cách mạng. “Cách ngày 2/9/1945 khoảng hơn 1 tuần, tôi nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ phố Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề, nghiêm trang để chờ đến ngày trọng đại. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi vừa vui mừng, vừa hồi hộp”, bà Thi kể.

Giọng bà chầm chậm: “Khi đó, Quảng trường Ba Đình là một bãi cỏ rất rộng, ở chính giữa đã có một lễ đài cao khoảng 4 m, rộng hơn 5 m được làm bằng gỗ, phủ vải bên ngoài và được trang trí rèm lượn sóng rất đẹp. Chính giữa lễ đài có một chiếc cột cờ cao khoảng 10 m. Hôm đó, phụ nữ chúng tôi vận áo dài trắng, riêng tôi cầm trên tay một cây gậy bằng gỗ, trên đường đi vào quảng trường vừa đi vừa hô “một, hai,... một, hai... đi đều bước!”.

Quảng trường đông lắm, lúc chờ giờ khai mạc, có người bảo các chị cử hai người lên kéo cờ và mọi người hô “chị Thi lên đi”. Tôi vừa đi vừa lo, bởi chưa được tập duyệt lần nào, nhỡ may kéo bên cao bên thấp thì xấu hổ lắm”, bà nhớ lại tâm trạng ngày đó.

Bà Thi kể tiếp: Lên gần tới lễ đài, tôi gặp phụ nữ người Tày, tôi và chị ấy cùng dắt nhau lên lễ đài. Lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên trong tiếng hát Quốc ca của hàng vạn người có mặt tại Quảng trường. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi mừng vui lắm.

Và sau này, mỗi khi đến ngày 2/9 hàng năm, tôi lại nhớ như in câu nói của Bác Hồ khi đọc Tuyên ngôn độc lập: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Và bên tai tôi vang lên tiếng của hàng vạn người dân đồng thanh đáp lại: “Có ạ!”.

Khi được hỏi về người phụ nữ kéo cờ cùng mình, bà Thi cho biết, “lúc bấy giờ hai chị em không biết tên nhau, mãi tới sau này tôi mới biết đó là chị Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Tới ngày 2/9/1997, tôi mới được gặp lại chị Loan tại Quảng trường Ba Đình, rồi lại bẵng đi một thời gian hai chị em cũng không gặp nhau, đến năm 2010 thì hay tin chị Loan mất”.

Yêu thích công tác phụ nữ

Thân phụ Giáo sư Lê Thi là một nhà giáo nổi tiếng: Hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm. Ông cũng mong muốn con gái theo nghiệp bố (học sư phạm), nhưng bà Thi một lòng đi theo con đường hoạt động cách mạng.

Bà cho biết, mọi người vẫn gọi theo bí danh là Lê Thi nhưng tên thật của bà là Dương Thị Thoa. Bà lấy bí danh là Lê Thi khi tham gia hoạt động cách mạng vì theo bà, ngày đó nhiều người lấy bí danh họ Lê theo họ Vua Lê Thái Tổ, còn Thi là tên một người bạn thân của bà.

Năm 1947, bà được cấp trên giao nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Yên (Hưng Yên bây giờ). Đến năm 1949 bà được giao làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, được cấp trên điều về công tác bí mật tại Hà Nội rồi tham gia nghiên cứu, giảng dạy và giữ chức Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam, rồi Viện trưởng Viện Gia đình và giới. Bà nghỉ công tác năm 2000, khi đã hơn 70 tuổi.

Tâm sự về những kỉ niệm sâu sắc, bà nói: “Những năm tháng hoạt động cách mạng, đáng nhớ nhất là thời gian làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Yên. Bởi đang là nữ sinh trường Đồng Khánh danh giá ở Hà Nội, gia đình thuộc tầng lớp trí thức, quen mặc áo dài trắng, đi dép, nay được cấp trên giao nhiệm vụ về tỉnh lẻ để tuyên truyền vận động người dân theo cách mạng, tôi phải thay đổi hoàn toàn. Tôi học quấn khăn mỏ quạ, đi chân trần, mặc quần nâu, áo vải, lội ruộng, cấy lúa, cuốc đất cùng dân. Gian khổ lắm nhưng tôi vẫn chịu được”./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam