Lương tối thiểu của người lao động: Tăng vẫn không đủ sống

19:16 | 13/08/2015 Print
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, nhìn vào mức lương tối thiểu, mức thu nhập của công nhân và so sánh với mức chi tiêu trung bình, mức chi tiêu tối thiểu có thể thấy cuộc sống của công nhân hiện nay vẫn rất khó khăn.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) tổ chức sáng nay (13/8).

80% lao động DN FDI đã được điều chỉnh lương tối thiểu vùng

Kết quả khảo sát được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nam Định, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bến Tre), với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương và một số loại hình doanh nghiệp.

Theo đó, đến hết tháng 4/2015, số DN có công đoàn thuộc diện phải điều chỉnh tiền lương tối thiểu (TLTT) đã thực hiện đạt 85 – 90%. Mức lương tối thiểu năm 2015, bình quân các vùng tăng 14,3% so với năm 2014, nhưng tỷ lệ tiền lương thực tế tương ứng của người lao động (NLĐ) trong các DN tăng khoảng 12%, không gây đột biến về chi phí cho DN.

hoi thao tien luong toi thieu
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Cụ thể, đối với các DN FDI, có 70 – 80% số NLĐ được điều chỉnh, với mức 250.000 – 400.000 đồng/tháng. Nhiều DN điều chỉnh đồng loạt cho tất cả các đối tượng làm việc trực tiếp. DN FDI, nhất là các công ty có hạch toán từ công ty mẹ ở nước ngoài đều cho rằng không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

"Với các DN ngoài quốc doanh nói chung, tỷ lệ NLĐ được điều chỉnh TLTT không nhiều, các DN chỉ điều chỉnh cho đối tượng thấp hơn mức chỉnh TLTT vùng theo quy định. Các DN tư nhân, hộ gia đình, tỷ lệ điều chỉnh TLTT rất khó kiểm soát vì nhiều DN không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động", kết quả khảo sát cho thấy.

Với mức tăng 14,3% (từ 250.000 – 400.000 đồng), tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng của NLĐ và chưa đảm bảo mức sống tối thiểu nhưng cũng giúp NLĐ yên tâm làm việc.

Cũng theo báo cáo, có 38,3% NLĐ cho biết mức điều chỉnh LTTT năm 2015 của Chính phủ là phù hợp; 39,7% cho rằng còn thấp; 1,4% đánh giá là “cao” và 20,6% là không biết. Ý kiến đánh giá còn thấp ở vùng I là 54,4%, vùng II là 35,3%, vùng III là 31,2% và vùng IV là 45,5%.

Hầu hết các doanh nghiệp khi điều chỉnh TLTT theo quy định đều không cần cắt giảm các chế độ khác của NLĐ. Cụ thể, 68,6% NLĐ cho biết họ không bị cắt giảm, chỉ có 8,3% số người trả lời cho rằng “bị cắt giảm”, 15,8% trả lời “không rõ” có bị cắt hay không. Tỷ lệ NLĐ trả lời “bị cắt giảm” tại các DN dệt may, giày da cao hơn một số ngành nghề khác.

Người lao động vẫn còn nhiều khó khăn

Kết quả khảo sát tiền lương tối thiểu vùng của người lao động tại một số doanh nghiệp năm 2015 cho thấy, lương cơ bản vẫn quá thấp và chưa đảm bảo đời sống cho người lao động.

Từ kết quả khảo sát cũng cho thấy mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) là 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Trong đó, vùng I là hơn 4,9 triệu đồng, vùng II là 4,29 triệu đồng, vùng III là 3,95 triệu đồng, vùng IV là 3,51 triệu đồng.

Có 19,9% người lao động khi được hỏi trả lời thu nhập không đủ sống; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống, chỉ có 8% có dư dật và có tích lũy.

Trong đó, người lao động tại các vùng I và vùng II, nơi có khu công nghiệp tập trung họ phải thuê nhà mỗi tháng rẻ nhất là từ 700.000 đồng cho 3 người ở trở lên. Giá cả các dịch vụ và đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm đều tăng hơn khu vực lân cận từ 7 – 10%.

Tại Hội thảo, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, nhìn vào mức lương tối thiểu, mức thu nhập của công nhân và so sánh với mức chi tiêu trung bình, mức chi tiêu tối thiểu có thể thấy cuộc sống của công nhân hiện nay vẫn rất khó khăn.

Bà Phan Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam cũng cho rằng, với mức lương tối thiểu hiện tại của vùng I là 3,1 triệu đồng thì rất khó có thể đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, chưa nói đến việc người lao động phải nuôi cha mẹ hoặc con cái, và như vậy việc tích lũy cũng không thể có.

"Mức lương tối thiểu vùng hiện tại chưa thể đáp ứng được cuộc sống của người lao động, cho dù người lao động đó độc thân và không phải thuê nhà trọ. Với đối tượng lao động này, mức lương tối thiểu vùng I cũng cần phải tăng thêm 25% mới có thể đủ cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống", bà Hải nhấn mạnh./.

Mai Đan

Mai Đan

© Thời báo Tài chính Việt Nam