Từ 1/8, thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng

11:28 | 29/07/2015 Print
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn đại học năm 2015, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn đại học năm 2015, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Thứ trưởng Bùi Văn Ga trao đổi với báo chí về ngưỡng điểm sàn ĐH, CĐ năm 2015.

PV: Xin ông cho biết về ngưỡng xét tuyển điểm sàn ĐH, CĐ năm nay và cách thức xác định điểm sàn?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã phân tích các phương án khác nhau để đưa ra Hội đồng điểm sàn xem xét.

Năm nay có đặc thù là tuyển sinh có nhiều tổ hợp khối thi. Tổ hợp xét tuyển truyền thống có 5 khối, năm nay có nhiều tổ hợp mới, tổng cộng có khoảng 15 tổ hợp phổ biến. Ngoài ra có một số tổ hợp đặc thù ở một số trường.

Trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả thi, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã tìm các giải pháp kỹ thuật để giảm tỉ lệ ảo, đưa ra thuật toán tính toán. Tất cả những thí sinh trên ngưỡng 15 điểm có thể xét tuyển các mức khác nhau ở nhiều tổ hợp, nhiều trường khác nhau.

Vì vậy, qua phân tích các phương án khác nhau, Hội đồng đã quyết định điểm sàn tối thiểu cho tất cả các tổ hợp thi vào đại học là 15 điểm.

Cứ thí sinh nào trên sàn được tính là 1, như vậy coi như một trường chọn một người. Do đó, số lượng dư dôi là số lượng thật. Mức này bảo đảm chất lượng đầu vào, không gây khó khăn cho các trường xét tuyển, có bảo đảm nguồn dôi dư nhất định.

Điểm sàn này cũng đã tính đến sự dịch chuyển của thí sinh ở các vùng miền. Thường thì khu vực TPHCM, Hà Nội dư rất lớn; khu vực Tây Bắc, Tây Nam Bộ có số dôi dư ít. Nhưng các thí sinh không dịch về miền Tây, Tây Bắc, vì vậy điểm sàn phải tính đến cả yếu tố này để bảo đảm nguồn tuyển của các trường.

Năm nay chất lượng thí sinh cao hơn, chất lượng đề thi tốt, nên phân hóa được học sinh, kết quả thi tốt, vì vậy việc xác định điểm sàn thuận lợi.

Từ 1/8, thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển, vì vậy các trường sẽ công bố điểm chuẩn trước ngày 1/8.

Ngưỡng đầu vào của các trường tùy thuộc vào chỉ tiêu đào tạo. Các trường không nên sợ thiếu nguồn tuyển mà hạ điểm chuẩn.

Nguồn tuyển rất dồi dào, vì vậy các trường phải có trách nhiệm, cân nhắc điểm chuẩn phù hợp để tạo thuận lợi cho thí sinh trong xét tuyển. Nếu điểm chuẩn quá thấp, thí sinh sẽ nộp vào nhiều, từ đó dễ gây tình trạng rút hồ sơ ồ ạt.

PV: Tại sao các khối thi có kết quả thi khác nhau nhưng lại có điểm sàn giống nhau, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Mức 15 điểm là đã thống kê hết các khối thi, tổ hợp. Thí sinh đạt trên ngưỡng này rất cao.

Tính toán của Bộ GD&ĐT cho thấy, mức sàn phổ biến cho các tổ hợp từ 14-18 điểm. Tuy nhiên, không thể lấy quá nhiều mức sàn, sẽ gây rối loạn, không cần thiết. Vì vậy, Bộ quyết định lấy mức 15 điểm là trung gian.

Mọi năm có 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống theo các khối. Năm nay chỉ có ngưỡng xét tuyển cho 15 tổ hợp, dễ nhớ, dễ viết, dễ xét tuyển, do đó không có khó khăn đối với các trường trong xét tuyển.

Chúng tôi thấy mức 15 điểm là phù hợp. Các trường sẽ lấy theo điểm số từ cao xuống thấp cho tới khi đủ chỉ tiêu. Có khi đặt ra ngưỡng 17 điểm, nhưng chỉ lấy tới 20 điểm là đã hết chỉ tiêu. Vì thế, điểm xét tuyển đầu vào nguyện vọng 1 của các trường sẽ cao hơn điểm sàn.

PV: Nhiều người băn khoăn, rằng ngưỡng điểm sàn này là quá cao đối với thí sinh ở vùng khó khăn?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tôi khẳng định là không cao, vì các em được hưởng điểm ưu tiên. Thực tế trong xét tuyển các năm qua, những trường ở vùng này cũng không gặp khó khăn về nguồn tuyển.

PV: Theo ông, với mức điểm sàn này, độ dôi dư của nguồn tuyển ra sao?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Căn cứ vào chất lượng nguồn tuyển và chỉ tiêu của các trường, Bộ GD&ĐT đã xác định hệ số dôi dư là 1,52 (mọi năm hệ số dôi dư là 1,3 với khối A và 1,4 với khối B). Như vậy nguồn tuyển năm nay dồi dào hơn.

Chúng tôi đã tính toán hết các trường hợp, những thí sinh đã trúng tuyển NV1 thì không được xét tuyển NV2 nữa, tránh tình trạng ảo theo khối.

Bộ GD&ĐT đã loại những thí sinh nào trên ngưỡng 15 điểm (coi như đã đỗ 1 trường) dù mức điểm này có thể đỗ 4-5 khối. Tức là nguy cơ ảo được giảm thiểu, vì nếu một trường nộp nguyện vọng 4 khối mà tính 4 người thì số lượng ảo sẽ rất lớn.

Năm nay khối A có số dôi dư khối lượng đạt từ ngưỡng 15 điểm dồi dào nhất do điểm thi cao (trung bình là 18 điểm). Tổ hợp các môn xã hội có ngưỡng sàn thấp hơn, chỉ từ 14, 15 điểm. Cách xác định ngưỡng xét tuyển đầu vào năm nay cũng sáng tạo hơn.

PV: Theo ông, điểm tiếng Anh quá thấp có khó khăn cho các trường trong xét tuyển tổ hợp các khối có môn tiếng Anh?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tất cả thí sinh bắt buộc phải thi tiếng Anh nên kết quả chung thì thấp, nhưng với những thí sinh thi khối D thì tổ hợp điểm khối D rất cao. Những thí sinh đã quyết tâm thi khối D thì kết quả điểm cao.

Xin cảm ơn ông!

Theo chinhphu.vn

Theo chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam