Chỉ nên ghi âm, ghi hình những vụ án quan trọng

13:24 | 28/05/2015 Print
Thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) chiều ngày 27/5, nhiều đại biểu tại tổ 1 (TP. Hà Nội) và tổ 2 (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (điều 174) đối với những vụ án nghiêm trọng.

Nguyễn Đức Chung

Đại biểu Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên thảo luận.

Ghi âm, ghi hình bao nhiêu cho đủ?

Thảo luận tại tổ 2 (TP.Hồ Chí Minh) về nội dung ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung vị can ở điều 174, dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” là không cần thiết, bởi trong trường hợp phạm tội bắt quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì không cần thiết ghi âm, ghi hình.

Chỉ trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh), việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung vừa tốn kém ngân sách Nhà nước, thủ tục rườm rà không cần thiết.

“Nhiều người nói đầu tư thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ tốn kém 1 lần nhưng thực tế là tốn kém về sau. Câu hỏi đặt ra là ai ghi âm, ghi hình? Không phải vì 1 số vụ án oan sai (rất hy hữu) mà bắt phải ghi âm, ghi hình. Quan trọng chính là cái tâm của điều tra viên. Chỉ nên ghi âm, ghi hình những vụ án quan trọng", đại biểu Đương nói .

Còn theo ĐB Lê Đăng Phong (TP.Hồ Chí Minh) việc ghi âm ghi hình nếu áp dụng phải chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu hiện nay. Ông Phong đưa ví dụ “Công nghệ hiện nay rất hiện đại, có thể sử dụng công nghệ cao lấy số điện thoại y như số điện thoại của người khác mà chủ nhân không biết, để nhắn tin xuyên tạc làm những việc xấu… Vậy nếu sử dụng ghi âm, ghi hình có đảm bảo an toàn, không bị làm giả?", ông Phong đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội (tổ 1- TP. Hà Nội), không phải đơn giản cứ muốn ghi âm, ghi hình là được, việc ghi âm, ghi hình cần phải báo trước và nói rõ cuộc hỏi cung hôm nay được ghi âm băng loại máy mã số này. Sau đó cho bị can, bị cáo nghe lại, lập biên bản niêm phong thì bản ghi âm đó mới có giá trị pháp lý.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, chỉ nên ghi âm, ghi hình những vụ án quan trọng. “Trang bị hệ thống này bao nhiêu cho đủ, kho nào lưu giữ cho đủ? Có những vụ từ khi bị bắt đến khi khởi tố có 8 bản cung. Càng nhiều đồng phạm càng phải làm rõ tình tiết, có những đối tượng có đến 60 -70 bản khai, khi tìm ra một kẻ đồng phạm lại tiếp tục hỏi cung. Vậy ghi âm, ghi hình bao nhiêu cho đủ?".

Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình

Về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các điều 40, 41 ,42, 43), đa số đại biểu tại tổ 12 (tổ 12 gồm đại biểu Tuyên Quang, Quảng Ngãi, An Giang) tán thành quy định của dự thảo “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội”.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Văn Độ, Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao (An Giang) cho rằng, người phạm tội thấy cần khai báo thì khai, bất lợi thì có quyền không khai báo. Họ là những người bị buộc tội nên họ không bị buộc khai báo chống lại mình. Đồng thời trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan buộc tội.

"Dư luận tranh luận cho rằng nếu không khai báo thì làm sao điều tra được, nhưng đó là trách nhiệm của Nhà nước. Dân sự người nào kiện người đó chứng minh, còn tố tụng hình sự là mối quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân. Công tố là quyền của Nhà nước thì phải chứng minh được người đó có tội hay không", ĐB Trần Văn Độ nói.

Ủng hộ quan điểm, ĐB Bùi Trí Dũng (An Giang) cho rằng, người bị tạm giữ, tạm giam được quyền im lặng để tránh tình trạng nôn nóng điều tra, xử lý nhanh và đặt ra vấn đề bất lợi cho họ. Tuy nhiên, ĐB Bùi Trí Dũng cũng băn khoăn là dự Luật chưa quy định cụ thể im lặng trong bao lâu? Cho đến khi có luật sư hay người đại diện bảo vệ lợi ích của họ có mặt? Do đó cần quy định thời hạn cụ thể vấn đề này./.

Hồng Chi

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam