Khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn lãng phí

16:50 | 13/05/2015 Print
Việt Nam có hơn 2.000 con sông lớn nhỏ có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên việc khai thác gắn với sự phát triển bền vững các lưu vực sông, đặc biệt là các sông lớn chưa được quan tâm đúng mức.

td

Tài nguyên nước đang dần cạn kiệt. Ảnh minh họa

Đó là chủ đề của Hội thảo “Phát triển bền vững lưu vực sông - thách thức và giải pháp” được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức chiều ngày 12/5 tại Hà Nội.

Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, nhiều lưu vực sông hiện còn bị khai thác bừa bãi, lấp sông, chặn dòng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước, hệ sinh thái và cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Công thương trong việc xử lý tài nguyên nước chưa có sự hợp tác chặt chẽ. Thời gian gần đây, tình trạng sông bị lấp, bị chắn dòng, dòng sông chết vì rác thải công nghiệp... đang gia tăng nhanh chóng.

TS. Đào Trọng Tứ, cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, từ những năm 80 của thế kỷ 20, sau chiến tranh, các dòng sông của Việt Nam vẫn giữ được điều kiện môi trường sinh thái tốt, tuy nhiên từ những năm 90 trở lại đây, con người đã can thiệp mạnh mẽ tới dòng chảy của các dòng sông.

"Tất cả các con sông lớn có thể làm thủy điện thì đã bị chặn dòng để làm thủy điện, 30 - 45% điện ở Việt Nam là do thủy điện cung cấp", ông Tứ chia sẻ.

Ngoài ra, con người ngày càng xâm lấn mạnh mẽ các dòng sông, chính sự tác động này đã làm “tan vỡ” dần các dòng sông.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ tới tài nguyên nước. Trái đất ấm lên sẽ làm cho nước biển có thể dâng cao thêm 0,3 - 1 m và do đó nhiều vùng thấp ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Nước biển dâng 1m, diện tích ngập lụt là 40.000km2, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và 17 triệu người sẽ chịu hậu quả của lũ.

Cần nhiều giải pháp thiết thực

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ chia sẻ, nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, tại Hàn Quốc việc cải tạo làm thu hẹp dòng sông, hệ quả là Hàn Quốc đã phải chi ra 17,3 tỷ USD để khôi phục hiện trạng của các dòng sông.

Trung Quốc xây dựng thủy điện lớn nhất thế giới, các dự án chuyển dòng lớn này đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của môi trường. Theo thống kê, Trung Quốc là quốc gia có người chết vì thủy điện cao nhất thế giới.

“Những hậu quả này đã khiến con người nhìn nhận lại việc khai thác dòng sông, xu hướng giữ gìn giá trị sông ngòi, trả thiên nhiên những gì đang có. Tại Mỹ đã chủ trương phá đập, và dự kiến tới năm 2020 các đập ngăn dòng chảy sẽ được phá bỏ”, ông Tuấn cho hay.

Nhằm nâng cao hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên nước, ông Tứ kiến nghị cần hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý tài nguyên nước, xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật khác liên quan đến thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012.

Ngoài ra, cần tăng cường thể chế và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên nước các cấp. Đồng thời, rà soát lại những vấn đề tồn tại trong tổ chức quản lý tài nguyên nước ở các cấp, như giảm sự chồng chèo trong quản lý tài nguyên nước giữa các Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế…

Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước của các quốc gia thượng lưu, vì vậy cần có chiến lược tăng cường hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong quản lý tài nguyên nước nói chung và các lưu vực sông liên quan quốc tế, nhằm hạn chế tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả.../.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam