Muốn người Việt dùng hàng Việt: Không nên chỉ hô khẩu hiệu!

10:45 | 11/05/2015 Print
Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nếu chỉ tập trung vào tuyên truyền theo kiểu “tự tôn dân tộc” thì rất khó để thành công. Gốc của vấn đề trước hết và quan trọng nhất phải từ khâu sản xuất, để người Việt chủ động muốn dùng hàng Việt.

Đây ý kiến phát biểu của Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động - CVĐ) vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Gốc phải từ khâu sản xuất

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương CVĐ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt nhiều kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực tuyên truyền, vận động, quản lý sản xuất, kinh doanh, mua sắm công, tiêu dùng cá nhân,…

Tuy nhiên, việc thực hiện CVĐ trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Cụ thể, triển khai thực hiện CVĐ có việc, có nơi còn hình thức, việc xây dựng thương hiệu Việt còn hạn chế, chưa đánh giá so sánh chất lượng hàng trong nước và hàng nhập khẩu để người tiêu dùng (NTD) có cơ sở lựa chọn, chưa đánh giá được thị phần hàng Việt Nam ở thị trường trong nước, nhiều người Việt Nam vẫn thích dùng hàng nhập khẩu,…

Hang_viet
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương CVĐ phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, sở dĩ CVĐ vẫn chưa thu được những kết quả sâu rộng, do cái gốc nằm ở khâu sản xuất. Bởi theo ông Cường, chủ thể của CVĐ này gồm cả doanh nghiệp, NTD và Nhà nước. Do đó, vận động “Nguời Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nếu chỉ nghiêng về mặt tuyên truyền, vận động người Việt dùng hàng Việt theo kiểu “tự tôn dân tộc” thì rất khó để thành công.

“Điểm quan trọng để CVĐ này thành công phải bắt nguồn từ khâu sản xuất. Phải làm sao để chất lượng và giá thành sản phẩm Việt cạnh tranh được ngang bằng hoặc cao hơn những mặt hàng cùng loại của một số nước trong khu vực, thì tự khắc người Việt sẽ muốn dùng hàng Việt”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhớ lại câu chuyện trong ngành nông nghiệp, ông Cường chia sẻ, trước đây Chính phủ đã có một chính sách hỗ trợ cho nông dân về lãi suất khi mua máy móc cơ khí nông nghiệp. Tuy nhiên, nông dân vẫn không mua máy gặt lúa của Việt Nam mà mua của Nhật dù đắt hơn, vì một lý do rất đơn giản là máy Việt Nam chỉ gặt được lúa đứng, mà không gặt được lúa đổ, trong khi máy của Nhật thì làm được cả hai.

“Nếu không đáp ứng được đúng, đủ nhu cầu thì dù sản phẩm có rẻ nhưng người tiêu dùng cũng “quay lưng”. Bởi vậy, nếu không nâng cao được khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam thì CVĐ sẽ chỉ như “hô khẩu hiệu mà thôi”, ông Cường nhấn mạnh.

Phải phát triển hàng Việt Nam trong bối cảnh mở cửa

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong thời gian tới, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng. Bởi vậy, việc cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng khốc liệt, nhất là khi hàng hóa nhập khẩu vào nước ta thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết.

Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm,… nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. Đồng thời, cần thiết lập những kênh phân phối sản phẩm thuận tiện, linh hoạt, hiệu quả để đưa hàng Việt đến gần hơn với NTD.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Văn Cường, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NTD trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Đồng thời, vận động nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng,…

“Các kết quả khảo sát cho thấy, 2/3 NTD nhận thức nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, để số lượng NTD đó quyết định lựa chọn hàng Việt Nam và tạo ra tâm lý thường trực trong thói quen tiêu dùng của người Việt đòi hỏi cần sự chung sức từ nhiều phía, để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào thực chất và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.

Bài và ảnh: Thiện Trần

Bài và ảnh: Thiện Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam