Đắk Nông đình chỉ công tác một Chủ tịch xã vì để mất rừng

10:42 | 02/05/2015 Print
Theo Quyết định, ông Phạm Công Chiến bị đình chỉ chức vụ để làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý dẫn đến rừng bị phá với diện tích lớn mà không có biện pháp ngăn chặn và báo cáo cấp trên kịp thời.

rừng

Ảnh minh họa

Chiều 1/5, Ông Nguyễn Đình Thắng, Chánh văn phòng UBND thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) xác nhận Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, ông Ngô Văn Linh vừa ký Quyết định số 477/QĐ-UBND về việc đình chỉ công tác đối với ông Phạm Công Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa vì để mất rừng với diện tích lớn.

Thời gian đình chỉ công tác đối với ông Chiến là 4 tháng.

Theo Quyết định, ông Phạm Công Chiến bị đình chỉ chức vụ để làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý dẫn đến rừng bị phá với diện tích lớn mà không có biện pháp ngăn chặn và báo cáo cấp trên kịp thời.

Trong những năm qua, nhiều diện tích rừng tự nhiên do Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (thuộc Công ty TNHH một thành viên Gia Nghĩa) quản lý thuộc lâm phần xã Quảng Thành bị tàn phá nặng nề.

Do năng lực quản lý yếu, việc triển khai thực hiện chính sách giao khoán đất rừng theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP còn nhiều tắc trách nên từ khi nhận bàn giao quản lý, bảo vệ rừng đến nay, đơn vị này liên tục để mất rừng mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Chỉ tính trong hơn ba tháng đầu năm 2015, trên lâm phần do Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín quản lý đã để xảy ra 51 vụ phá rừng làm thiệt hại gần 109ha rừng tự nhiên, trong đó đơn vị chủ rừng chỉ phát hiện được 24 vụ với gần 39ha ha và bỏ “sót” 27 vụ với trên 70ha.

Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa, nguyên nhân mất rừng do lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín yếu và thiếu. Đơn vị chỉ có hai nhân viên trong chỉ tiêu sáu nhân viên quản lý, bảo vệ rừng theo phương án quản lý rừng tập trung được phê duyệt.

Khi xảy ra mất rừng không phát hiện được, không báo cáo UBND xã và Hạt Kiểm lâm kịp thời xử lý; công tác tuần tra, kiểm tra rừng của đơn vị chủ rừng và Kiểm lâm địa bàn chưa thường xuyên, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời…

Việc giao khoán rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP còn nhiều bất cập, giao khoán rừng tràn lan, không theo quy hoạch, không đúng đối tượng, nhiều thành phần không phải là người địa phương… nên sau khi nhận bàn giao, nhiều đối tượng đã phá rừng ở các khu vực liền kề nhưng đơn vị chủ rừng không quản lý, giám sát được.

Chỉ tính trong hai năm 2013 và 2014, Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín đã giao khoán cho 21 hộ với 68,95 ha đất trống để thực hiện trồng rừng. Tuy nhiên qua kiểm tra, xác minh thực tế, toàn bộ diện tích đất giao khoán trên đều có nguồn gốc phá rừng mà có.

Ngoài ra, còn phát hiện thêm 13 hộ nhận rừng giao khoán với 74,55ha và một số diện tích rừng đã bị phá nhưng đơn vị chưa phát hiện hoặc không báo cáo./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam