Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 54

17:26 | 07/08/2021 Print
Tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM 54) và các hội nghị liên quan (2-6/8/2021), Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến để thúc đẩy tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong giải quyết các vấn đề thách thức của ASEAN.

asean

Ảnh: Nguyễn Hồng/Thế giới và Việt Nam

Càng trong khó khăn, càng thấy nổi bật giá trị của ASEAN

Thông tin về kết quả Hội nghị AMM 54 và các hội nghị liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Hội nghị AMM54 diễn ra trong thời điểm hết sức đặc biệt. ASEAN đứng trước rất nhiều thách thức, có thể nói là vô cùng khó khăn, cả do các đợt bùng phát và lây lan biến thể mới của dịch bệnh Covid-19 ở khu vực, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, cũng như tình hình phức tạp ở Biển Đông và chính biến tại Myanmar.

Trong bối cảnh đó, điểm nhấn mà hội nghị đạt được là: càng trong khó khăn, càng thấy nổi bật giá trị của ASEAN và nhận thức của các nước về giá trị này cũng ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, quyết tâm của các nước thành viên ASEAN ngày càng mạnh mẽ, được cộng hưởng với sự ủng hộ và cam kết cao của các nước đối tác trong khu vực, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực này.

Về vấn đề gay cấn nhất ở khu vực hiện nay, đó là vấn đề Myanmar. Hội nghị lần này đã quyết tâm triển khai thực hiện “Đồng thuận 5 điểm” của các nhà lãnh đạo ASEAN. Dù rất khó khăn, nhưng ASEAN đã đạt được đồng thuận cử được Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar, đó là Bộ trưởng Ngoại giao thứ 2 của Brunei. Đồng thời, ASEAN cũng đã quyết định triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar, thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) do Tổng thư ký ASEAN đứng ra gánh vác, điều phối.

Về đối ngoại, ASEAN cũng đã đạt được dấu mốc rất quan trọng, đó là việc đồng ý chấp thuận để Vương quốc Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN.

Về khía cạnh phục hồi sau đại dịch, qua hội nghị lần này, ASEAN cũng đã thống nhất quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì các giao dịch, giao thương của các nước không bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cao nhất có thể trong hoàn cảnh này cho doanh nghiệp để có thể duy trì thương mại và đầu tư.

Đặc biệt là ASEAN sẽ đẩy mạnh hợp tác để chuyển đổi số. Các bộ trưởng ASEAN phụ trách về hợp tác số đã thông qua Kế hoạch chuyển đổi số của ASEAN cho đến năm 2025. Đấy là tiến bộ rất lớn, và các nước sẽ đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong ASEAN. Đồng thời ASEAN quyết tâm tận dụng và đẩy mạnh các hiệp định đã ký kết về tự do hóa thương mại, xác định với nhau là cố gắng để phê chuẩn sớm nhất Hiệp định RCEP.

Dấu ấn Việt Nam

Tại Hội nghị AMM 54, Việt Nam để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam tham gia hội nghị lần này với tâm thế vừa hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 với rất nhiều kết quả, đề xuất, sáng kiến mà Việt Nam đề ra được coi là tài sản chung của ASEAN. Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong thúc đẩy triển khai các kết quả đã đạt được trong năm ASEAN 2020, duy trì được các nội dung là quan tâm của Việt Nam trong chương trình nghị sự của ASEAN, trong đó có vấn đề gắn sự hợp tác tiểu vùng với các chương trình hợp tác của ASEAN.

Việt Nam cũng đã phát huy vai trò rất tích cực trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bế tắc vì các quan điểm khác nhau, ý kiến khác nhau trong hội nghị. “Chính Việt Nam là người đã đưa ra đề xuất và vận động các nước để đi đến thỏa thuận cử Đặc phái viên về Myanmar, cũng như đạt được đồng thuận để Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN”- ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đề xuất, thúc đẩy các đối tác của ASEAN tăng cường hợp tác, cam kết và hỗ trợ ASEAN về cung cấp vắc-xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho các nước ASEAN.

Về Covid-19, ASEAN khẳng định nỗ lực triển khai các sáng kiến chung, tiếp tục các kế hoạch hợp tác trong ứng phó dịch bệnh. ASEAN cũng nhận được nhiều cam kết hợp tác, hỗ trợ của các đối tác để vượt qua dịch bệnh, với số lượng vắc-xin dành cho các nước ASEAN càng ngày càng nhiều cùng các kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch đang được tích cực thúc đẩy.

Các nước đối tác của ASEAN đều có các cam kết rất mạnh mẽ, rất cụ thể về việc hỗ trợ ASEAN chống Covid và phục hồi bằng những việc rất cụ thể. Nước thì cung cấp vắc-xin và cung cấp kỹ thuật, chẳng hạn như thiết bị kho lạnh để chứa vắc-xin, nước thì giúp đào tạo cán bộ y tế, nước thì hỗ trợ tiền để ASEAN có thể tăng cường Quỹ Covid để mua thêm vắc-xin,..

Xung quanh vấn đề vắc-xin, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 đã được thiết lập trong năm ngoái, đến nay đã có 20,8 triệu USD đóng góp của các nước thành viên và các nước đối tác của ASEAN. ASEAN đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD để mua vắc-xin cho các nước thành viên thông qua hợp tác với UNICEF. Hiện nay, thỏa thuận giữa ASEAN và UNICEF đang được hoàn tất. Các nước ASEAN hy vọng là sẽ sớm hoàn tất để có thể triển khai và thông qua UNICEF, dùng tiền đó để mua vắc-xin cho các nước ASEAN.

Bất chấp khó khăn do dịch bệnh, ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực xây dựng các trụ cột và triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Công việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vẫn tiến triển tích cực, các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng đến năm 2025 đã và đang được triển khai đều khắp trên tất cả các trụ cột. Cụ thể, trụ cột chính trị-an ninh đã hoàn tất 96% các dòng hành động, trụ cột kinh tế đã hoàn tất 88%, còn trụ cột văn hóa-xã hội hoàn tất 72%.

Về những kế hoạch đặt ra của ASEAN như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, các nước đã nhất trí với lộ trình xây dựng và thành lập Nhóm đặc trách cao cấp xây dựng tầm nhìn; ASEAN cũng tiếp tục triển khai kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam