Chủ tịch Quốc hội: Hải Phòng quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị

18:15 | 05/08/2021 Print
Sáng 5/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp xúc trực tuyến với khoảng 5.000 cử tri các quận, huyện, huyện đảo của thành phố với hơn 200 điểm cầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tại kỳ họp.

Cử tri Dương Anh Điền, thành phố Hải Phòng cho rằng, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng đã Quốc hội đã thể hiện xuất sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Theo cử tri, “bất biến” ở đây là đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, là lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân, là thượng tôn pháp luật. “Vạn biến” ở đây là Quốc hội đã rất nhạy bén, nắm chắc tình hình đất nước và đã linh hoạt, trách nhiệm khi bổ sung vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất với những nội dung chưa từng có tiền lệ, trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ sở pháp lý cần thiết để chủ động linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch COVID-19.

Tiết kiệm chi thường xuyên đề tập trung cho đầu tư phát triển

Sau khi nghe ý kiến của 8 cử tri phát biểu, đại điện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện chương trình hành động trong nhiệm kỳ 5 năm như đã trình bày trong đợt vận động, tiếp xúc cử tri thành phố trước cuộc bầu cử vào tháng 5/2021 vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội báo cáo với cử tri về các hoạt động đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội nhất là trong Kỳ họp thứ nhất, khóa XV, trong đó Quốc hội cải tiến công tác thư ký của kỳ họp, từ đó nâng cao chất lượng tổng hợp ở các phiên thảo luận ở tổ, việc tiếp thu, giải trình thuận lợi, trách trùng lặp phát biểu ở hội trường.

Quốc hội và Chính phủ có sáng kiến pháp luật quan trọng, diễn ra trong khoảng 3 ngày, bổ sung vào chương trình với 100% đại biểu Quốc hội họp có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết 30, trong đó có những nội dung quan trọng, trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ chế đặc thù, đặc cách và đặc biệt để chủ động và linh hoạt hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, ứng phó với tình hình diễn biến rất phức tạp và còn có thể kéo dài của đại dịch COVID-19…

Quảng cảnh buổi tiếp xúc trực tuyến.
Quang cảnh buổi tiếp xúc trực tuyến.

Trả lời ý kiến cử tri liên quan chiến lược về đô thị, nhất là đối với Hải Phòng - thành phố làm rất tốt xây dựng nông thôn mới, đang hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, điểm rất mới là tiếp tục nhấn mạnh vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng chương trình nông thôn mới; đồng thời coi trọng chiến lược, tư duy, tầm nhìn, công cụ, chính sách để phát triển đô thị và kinh tế đô thị.

Đồng tình với ý kiến cử tri cho rằng “nếu chỉ coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà không coi trọng đô thị hóa, bản thân công nghiệp hóa và hiện đại hóa cũng khó gắn kết với nhau và thành công tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chiến lược, tư duy, tầm nhìn, công cụ và chính sách để phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị là vấn đề lớn của quốc gia. Các cơ quan hữu quan đang tích cực chuẩn bị để có thể trình đề án liên quan đến nội dung này trong năm nay.

Cử tri Dương Anh Điền chia sẻ về Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á... Chủ tịch Quốc hội tiếp thu ý kiến đề xuất của cử tri về lựa chọn một số thành phố có điều kiện và tư duy phát triển, đáp ứng những điều kiện để có những chính sách đặc thù, vượt trội để các địa phương này trở thành đầu tàu, động lực không chỉ của vùng, mà của cả nước. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng nghị quyết đặc thù, trong đó nghiên cứu cả lĩnh vực về mô hình chính quyền đô thị (như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đang làm); các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách; cơ chế đặc thù khác về quy hoạch, quản lý đất đai...

Cử tri Nguyễn Hoàng Long đề cập về giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố Hải Phòng (giai đoạn 2022 - 2025). Ghi nhận ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong Luật Ngân sách Nhà nước quy định sau mỗi kỳ ngân sách phải xem xét lại theo hướng tăng phần nộp về Trung ương và giảm phần để lại địa phương theo mức độ phát triển ngày càng tăng lên. Dự kiến trong khóa này, từ 16 tỉnh, thành sẽ tăng lên 18 tỉnh, thành hoặc có thể lên tới 20 tỉnh, thành có thu ngân sách điều tiết về Trung ương, trong đó có Hải Phòng. Cho biết, qua theo dõi một số địa phương, trong tổng chi ngân sách thì tỷ lệ chi thường xuyên còn quá lớn, do đó Chủ tịch Quốc hội mong thành phố Hải Phòng hướng đến tiết kiệm chi thường xuyên đề tập trung cho đầu tư phát triển.

Ý kiến cử tri đến từ Sở Giao thông vận tải về sửa đổi Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho biết Luật Đầu tư công mới được sửa đổi, bổ sung năm 2019, có hiệu lực vào năm 2020. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, cả nước đang tập trung đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công. Hải Phòng thuộc diện giải ngân cao, kinh tế, xã hội thành phố tăng trưởng tốt, 6 tháng năm 2021, GRDP của thành phố tăng 13,52%, gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước, đứng thứ 4 cả nước, thứ hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ… Thành phố cần tiếp tục rà soát pháp luật liên quan đến đầu tư công, đầu tư tư nhân, theo hình thức PPP, về kinh doanh, doanh nghiệp..., nếu cần thiết có thể sử dụng cách thức xây dựng một luật để sửa nhiều luật. Những vướng mắc trong phạm vi nghị định sẽ dùng một nghị định sửa đổi nhiều nghị định, vướng mắc ở thông tư, các bộ, ngành giải quyết theo tinh thần của Trung ương là trách nhiệm của cấp nào, cấp đó phải giải quyết.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị

Trả lời ý kiến cử tri quận Hồng Bàng về quy hoạch, phát triển, Chủ tịch Quốc hội nhận xét Hải Phòng là một trong những địa phương rất sớm trong cả nước trình Chính phủ xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sau Luật Quy hoạch được ban hành. Ngày 15/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1412 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Việc lập quy hoạch tích hợp trong nhiều lĩnh vực sẽ là công cụ quan trọng nhất để cụ thể hóa tư duy, tầm nhìn, mục tiêu tổng quát cũng như những mục tiêu cụ thể theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, trong đó xác định thành phố Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một động lực phát triển của Bắc Bộ và cả nước…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBND thành phố sớm triển khai, đồng thời cho biết trong năm 2022, Quốc hội lựa chọn vấn đề triển khai công tác quy hoạch là một nội dung trọng điểm, một trong hai nội dung giám sát tối cao (thực hành tiết kiệm chống lãng phí và triển khai công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch).

“Nếu quy hoạch không làm sớm, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quản lý - sử dụng đất đai… sẽ vướng mắc rất nhiều cho phát triển kinh tế, xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến quy hoạch, theo Chủ tịch Quốc hội, một số huyện tại Hải Phòng quy hoạch lên quận nên trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải gắn chặt với phát triển đô thị để tránh lãng phí; cần có đề án, cơ chế rất cụ thể, đặc thù để giải quyết vấn đề nguồn lực khi chuyển từ huyện lên quận, hay chuyển huyện lên thành thành phố. Cùng với đó, thành phố cần có quy hoạch liên quan đến môi trường các khu công nghiệp, khu chế xuất, thu gom xử lý nước thải, rác thải ở đô thị và nông thôn theo công nghệ mới, nước sạch cho đô thị, nông thôn…

Tại cuộc tiếp xúc cử tri trực tuyến, chia sẻ với ý kiến cử tri Trần Quang Tường, huyện đảo Bạch Long Vĩ đề cập đến du lịch và kinh tế biển, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hải Phòng có tiềm năng lớn trong đó có Cát Bà, Đồ Sơn, Bạch Long Vỹ. Nội dung này có ba ý chính cần lưu ý gồm: hạ tầng về du lịch, môi trường du lịch và doanh nghiệp du lịch gắn với sản phẩm về du lịch.

Nêu ý nghĩa của việc tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, khi Hải Phòng phát triển du lịch không quên du lịch sinh thái, nhất là khi Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu bảo tồn biển, có rừng quốc gia (3 trong 1), nên Hải Phòng phải bảo vệ được những giá trị này. Bạch Long Vỹ là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ nên trong phát triển kinh tế biển, du lịch phải gắn với kết hợp kinh tế với quốc phòng, bảo vệ hệ sinh quyển và giá trị thiên nhiên hiếm có. Thành phố cần có quy hoạch, định hướng để trên cơ sở đó doanh nghiệp thiết lập các chuỗi, sản phẩm du lịch vượt trội và khác biệt mới có thể thu hút khách du lịch, tránh phát triển “nóng”.

Về nội dung đầu tư xây dựng Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực phía Bắc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2020 đã có chủ trương xây dựng cảng cá loại 1 tại đây. Địa hình đảo mỗi năm chịu nhiều loại hình thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới…; cơ sở vật chất của cảng không đảm bảo cho tàu, thuyền tránh, trú bão. Vì vậy, việc nâng cấp thành cảng cá loại 1, là nơi tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng là nhu cầu cần thiết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị huyện đảo Bạch Long Vỹ phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND thành phố xây dựng dự án để trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt… Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ quan tâm thúc đẩy để có thể sớm hiện thực hóa nội dung này.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam