Chỉ chi ngân sách trong khả năng của nền kinh tế

21:30 | 01/08/2021 Print
(TBTCVN) - Đảm bảo thu đã khó nhưng chi sao cho hiệu quả và triệt để tiết kiệm lại càng khó hơn. Trong thảo luận tại Quốc hội vừa qua khi bàn đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng, cần quán triệt thực hiện phương châm “chỉ vay trong khả năng trả nợ và chi trong khả năng của nền kinh tế”.

Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp quản lý chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp quản lý chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả.

Dành nguồn để chi cho nhiệm vụ cấp bách

Bài học về sự tiết kiệm triệt để trong chi tiêu, hay nói một cách dân dã là “thắt lưng buộc bụng” đã đúng khi nhiều năm qua, trong thực hiện chi ngân sách, Bộ Tài chính đã chủ trương đề nghị các cấp ngân sách phải thực hiện nghiêm.

Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ năm 2020 đã làm tăng lên chi phí phòng, chống dịch bệnh và triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân. Trong bối cảnh trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, lại càng đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch trên diện rộng. Trong năm 2020, triển khai các giải pháp về giãn, giảm thuế phí và lệ phí, tiền thuê đất… số tiền đã lên tới con số 123,6 nghìn tỷ đồng; trong đó, tiền giảm phí, lệ phí là hơn 36,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung cả năm 2020 và cho đến nay, ngân sách nhà nước (NSNN) đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đó là chưa kể đến số tiền chi cho mua vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 dự kiến lên tới hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành NSNN phù hợp; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách. Theo đó, ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao. Trước đó, nhờ tiết kiệm chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm chi khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2020, trong điều hành chi ngân sách lại gặp phải thách thức lớn hơn, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tiết kiệm là giải pháp trước mắt có ý nghĩa hơn cả. Bộ Tài chính đã nhanh chóng đề xuất một loạt các giải pháp nhằm quản lý chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả. Bộ đã sớm có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cấp thuộc phạm vi quản lý triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của năm 2020; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương trong năm 2020 là 49,3 nghìn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước trong năm này cũng đã từ chối thanh toán gần 52 tỷ đồng do chưa đủ hồ sơ.

Năm 2021, Chính phủ tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm, để dành nguồn ưu tiên chi cho phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, Chính phủ đã thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. Báo cáo trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, NSNN đã tiết kiệm được khoảng 10 nghìn tỷ đồng, theo đó, đã chuyển cho Bộ Y tế gần 8 nghìn tỷ đồng.

Tiết kiệm mọi khoản chi từ nguồn ngân sách

Trong thực hiện dự toán năm 2022, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu đối với dự toán chi hoạt động năm 2022 nguồn NSNN của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, phải xây dựng gắn với mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, thực hiện kiêm nhiệm chức danh, sáp nhập các xã chưa đạt chuẩn...

Infographic: Hồng Vân
Infographic: Hồng Vân

Dự toán chi hoạt động năm 2022 nguồn NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập yêu cầu phải được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW. Cụ thể, năm 2022, mức tính giảm biên chế hưởng lương từ NSNN các lĩnh vực sự nghiệp thực hiện theo quyết định giao biên chế của cấp thẩm quyền hoặc theo đề án tinh giản biên chế được duyệt (nếu có), đảm bảo mức giảm bình quân tối thiểu 2% so với năm 2021, theo đó giảm quỹ lương từ NSNN tương đương tỷ lệ giảm biên chế hưởng lương từ NSNN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên NSNN (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) so với dự toán năm 2021 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công; tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị...

“Chỉ vay trong khả năng trả nợ và chi trong khả năng của nền kinh tế”, thể hiện quan điểm không “vung tay quá trán”, chi tiêu trong điều kiện chúng ta có. Những năm qua chúng ta đã quán triệt, chỉ chi các khoản nằm trong dự toán và chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Trong trước mắt và lâu dài, những yêu cầu đó tiếp tục được quán triệt để chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam