Đưa thêm ngưỡng “cảnh báo” để đảm bảo an toàn nợ công

19:28 | 29/07/2021 Print
(TBTCVN) - Trong ngày bế mạc của Kỳ họp thứ Nhất (ngày 28/7), Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với 100% số phiếu tán thành.

Infographic: HỒNG VÂN

Infographic: Hồng Vân

Đây là một trong những kế hoạch quan trọng, mang tính xương sống trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới.

Quy mô huy động ngân sách tăng 1,2 lần

Kế hoạch tài chính 5 năm xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN); các định hướng lớn về tài chính, NSNN; số thu và cơ cấu thu; số chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi thường xuyên; định hướng về bội chi ngân sách; giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch…

Theo nghị quyết, tổng thu NSNN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85 - 86% tổng thu NSNN.

Tổng chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 được xác định khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi NSNN. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng.

Về cân đối ngân sách, tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương bình quân 3,4% GDP, bội chi ngân sách địa phương bình quân 0,3% GDP. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP, nghị quyết nêu rõ.

Tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148 nghìn tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về NSNN, nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.

Để bảo đảm an toàn nợ công, mức trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ chính phủ hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu vay nợ để tăng đầu tư là cần thiết cho giai đoạn tới, cũng như dự phòng các tác động phức tạp của đại dịch Covid-19. Mức tỷ lệ "trần nợ công" được đặt ra như trên bảo đảm theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, và Chính phủ đã đề xuất thêm "ngưỡng cảnh báo" để đặt ra các mục tiêu thực hiện an toàn hơn.

Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương

Để triển khai kế hoạch này, Quốc hội cũng nêu rõ 10 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Trong đó, có việc khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt...; chú trọng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản để tránh thất thoát; hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội trong pháp luật về thuế.

Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác. Số tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), giảm bội chi, trả nợ gốc và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật NSNN.

Trong việc vay trả nợ, Quốc hội yêu cầu đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước, nước ngoài. Phát hành trái phiếu chính phủ tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, kết hợp linh hoạt phát hành một số kỳ hạn dưới 5 năm để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và phát triển thị trường trái phiếu chính phủ; phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ đạt từ 9 - 11 năm; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ. Nâng cao tỷ trọng vay ngoài nước hỗ trợ ngân sách chung để tăng tính chủ động trong quản lý sử dụng vốn vay…

Cùng với đó, thường xuyên đánh giá những tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ chính phủ và nghĩa vụ trả nợ; gắn kết tỷ lệ bội chi NSNN và tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách trong điều hành NSNN hàng năm. Không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án mới khi không cân đối được nguồn. Trường hợp các chỉ tiêu nợ công chạm ngưỡng cảnh báo, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình, giải pháp kiểm soát đặc biệt quản lý nợ công.

Xây dựng các chỉ tiêu thận trọng để đảm bảo khả thi


Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu nhận xét quy mô huy động ngân sách giai đoạn tới dự kiến thấp hơn giai đoạn trước. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải trình cho biết, quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 1,2 lần giai đoạn trước. Nhiều khoản thu quan trọng dự kiến tăng thấp hoặc thậm chí giảm so với giai đoạn 2016-2020 như: thu từ dầu thô giảm 1/2 và thu từ tiền đất, xổ số kiến thiết, thoái vốn, cổ tức, lợi nhuận sau thuế cơ bản không tăng; đồng thời, do tác động của đại dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài, vì vậy, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã được xây dựng với các chỉ tiêu thận trọng để đảm bảo khả thi trong triển khai thực hiện.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam