Hiểm nguy bủa vây hai mặt trận

10:00 | 28/07/2021 Print
(TBTCVN) - Cả mặt trận kinh tế và mặt trận y tế đều đang trong hiểm nguy. Nhưng cả nước vẫn chung một niềm tin tất thắng. Đó là khí thế ghi nhận được tại Nghị trường Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ Nhất, phiên thảo luận về toàn cảnh kinh tế - xã hội.

Infographic: HỒNG VÂN

Infographic: Hồng Vân

Kỳ họp thứ Nhất diễn ra trong bối cảnh bất thường chưa từng có trong nhiều thập kỷ bởi sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Mỗi lời phát biểu của đại biểu, đều là mỗi lời nhìn thẳng vào sự thật, đều bày tỏ tin tưởng qua sóng gió càng tôi luyện bản lĩnh và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước đã và đang nỗ lực hết sức mình, với quyết tâm cao nhất để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường như lòng dân trông mong.

Nắng hè thiêu đốt

Ở mặt trận kinh tế, như nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm là rất khó khăn; trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có cả một số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn… “Tăng trưởng kinh tế sẽ như thế nào sau đợt dịch lần này vẫn là câu hỏi lớn mà đến giờ chúng ta vẫn chưa thể khẳng định một cách rõ ràng”- theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhận xét: “6 tháng đầu năm GDP đạt nhịp độ tăng 5,64% là chưa đạt được như kỳ vọng và thực trạng kinh tế ở thời điểm này là đầu quý III còn xấu hơn rất nhiều”. Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thấy: “tôi đã bước qua nhiệm kỳ thứ ba tham gia Quốc hội nhưng chưa có nhiệm kỳ nào mà ngay ở kỳ họp thứ nhất đã tiếp cận những báo cáo, những kế hoạch chứa đựng nhiều khó khăn và thách thức đến vậy”.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết ở Quảng Trị, dù tình hình dịch bệnh không quá phức tạp, song 6 tháng đầu năm số doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký và số vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp đều giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động lại tăng. “Đó có lẽ cũng là bức tranh chung của nhiều tỉnh, thành khác”- vị đại biểu kết luận - “nhìn rộng ra cả nước, tăng trưởng quý III khả năng sẽ tiếp tục thấp hơn so với kế hoạch, khiến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 trở nên kém lạc quan. Khó khăn, thách thức đang bủa vây”.

Ngoài kia là sự chờ đợi

“Dịch đang bùng như lửa cháy bằng xăng, chắc chắn cuộc chiến này sẽ còn nhiều cam go lắm”- đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) sốt ruột: “khi chúng ta ngồi đây để thảo luận về định hướng, về kế hoạch thì ngoài kia cuộc sống với dịch bệnh vẫn diễn ra vô cùng phức tạp, người dân vẫn đang chờ đợi, chờ đợi để vắc-xin sớm đến với toàn dân, chờ đợi để những ngày tháng khó khăn sẽ đi qua”.

Dẫu vậy, bà Mai cũng như nhiều đại biểu đều cho rằng qua sóng gió càng tôi luyện bản lĩnh và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước đã và đang nỗ lực hết sức mình, với quyết tâm cao nhất để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường như lòng dân trông mong.

Ở mặt trận y tế, như thực tế mà đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), người cũng là Giám đốc Bệnh viện Y Hà Nội, mô tả: “Với chủng Delta này, chúng ta không thể biết được, có khi buổi sáng thức dậy, xung quanh đã bùng phát rồi”. “Lực lượng y tế chưa bao giờ được đặt vào tình thế khẩn cấp như hiện nay”- đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn) nêu - “hàng chục nghìn nhân viên y tế đã và vẫn đang phải gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dưới nắng như thiêu như đốt ngày hè. Những bữa cơm ăn muộn, ăn vội diễn ra trong suốt thời gian chống dịch, thậm chí nhiều người còn ngủ gục bên hộp cơm đang ăn dở”.

Sự quá tải đã khiến Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phải khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học TP. Hồ Chí Minh, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh.

Chuông nguyện bình an

Là đại biểu đầu tiên phát biểu tại phiên toàn thể thảo luận về kinh tế - xã hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) lên tiếng về nỗi niềm của người tu hành: “Hơn 2.000 năm qua, Phật giáo chính là một tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa khoác chiến bào cùng nhân dân đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni phật tử khắp mọi miền đã đi đến những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống…”.

Vị Hòa thượng cho biết, chỉ tính đến ngày 20/7/2021 đã có 612 tình nguyện viên phật giáo, trong đó có 59 tăng ni và 553 phật tử phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến. Nhiều ngôi chùa đã xung phong trở thành bệnh viện dã chiến, những chiếc máy thở, những phòng áp lực âm, những trang thiết bị y tế cần thiết đã được Giáo hội trao tặng thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trung ương Giáo hội và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành cùng tín đồ phật tử đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài việc hỗ trợ tiền mặt, rất nhiều ngôi chùa trong cả nước đã chuyển hàng trăm tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm đến những vùng tâm dịch.

Đặc biệt, ngày 19/7/2021, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội đã ban hành Công văn số 183 kêu gọi tăng ni, phật tử cả nước cấm túc ở yên một chỗ tụng kinh cầu nguyện đẩy lùi dịch Covid-19. Theo đó, đúng 6 giờ sáng ngày 27/7/2021 các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt cử 3 hồi chuông, trống bát ngã tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh, liệt sĩ, đồng thời đồng loạt chỉ tụng kinh dược sư, cầu nguyện đẩy lùi dịch Covid-19, cuộc sống sớm trở lại bình thường, mọi sự an lành cho nhân dân và đất nước.

Đại diện cho tiếng nói của chính quyền và người dân TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ lòng biết ơn: “những nông sản, rau, củ, quả thu hoạch vội trong vườn, những thúng hải sản mới đánh bắt ngoài biển khơi, những bó rau thơm tình dân tộc đã nhanh chóng được đóng gói, chuyển nhanh vào thành phố, kèm theo những lời sẻ chia, nhắn nhủ yêu thương... Không kể xiết những tấm lòng, tình cảm của Nhân dân, của đồng bào, tôn giáo và kiều bào đã gửi đến chia sẻ cùng thành phố trong những ngày qua”.

“Thượng phương bảo kiếm” trao tay

Ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội (QH) đã trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ. “Phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt, nấn ná, chậm một ngày là khó khăn và thiệt hại tăng lên theo cấp số nhân. Nếu thất bại trước dịch bệnh thì sẽ thất bại, toàn diện”- đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu - “QH đồng tình tuyệt đối tin tưởng giao cho Chính phủ “thượng phương bảo kiếm” như trao toàn quyền cho tướng ngoài biên ải và mong chờ sự mạnh mẽ, quyết đáp của Chính phủ”.

“Thượng phương bảo kiếm” đó là bổ sung nội dung phòng, chống dịch vào Nghị quyết chung của Kỳ họp và trao thêm một số quyền của QH cho UBTVQH, cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như khi ban bố tình trạng khẩn cấp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, tập trung nguồn lực cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đây là sáng kiến lập pháp của UBTVQH. Chỉ trong chưa đầy một ngày, sáng 23/7/2021, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với các cơ quan của Chính phủ và QH để thống nhất trình QH bổ sung nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 vào chương trình Kỳ họp và thống nhất sẽ quyết nghị trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất. Chiều và tối 23/7/2021, Bộ Y tế đã xây dựng Tờ trình, Ủy ban Xã hội đã tiến hành thẩm tra các nội dung này. Sáng 24/7/2021, UBTVQH có báo cáo chính thức đề nghị QH thông qua việc bổ sung nội dung này vào chương trình.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam