Đại biểu Quốc hội đề nghị có chính sách huy động thêm các nguồn lực

11:59 | 27/07/2021 Print
Sáng 27/7, thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, cần huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân để thực hiện chương trình.

Nguyễn Thị Xuân

ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) bấm nút tranh luận về sự chồng lấn của 3 chương trình mục tiêu. Ảnh: quochoi.vn.

Cần xây dựng bộ tiêu chí chung về nông thôn mới

Đại biểu (ĐB) Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua. Theo ĐB, chương trình đã huy động được 3 triệu tỷ đồng với những kết quả rất đáng trân trọng, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm cần thiết phải tiếp tục thực hiện chương trình giai đoạn tới, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, chương trình “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Qua 10 năm thực hiện, theo ĐB, có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, cần khắc phục để thực hiện hiệu quả hơn, đảm bảo đời sống cho người dân ở nông thôn.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho biết, ông ấn tượng với các kết quả nổi bật nêu trong báo cáo của Chính phủ. Việc thực hiện chương trình thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng nâng cao, phát huy lợi thế các địa phương, vùng miền.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã (62,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đề ra; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, theo Nghị quyết 142/2016/QH13 của Quốc hội trước 2 năm; có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện chương trình hiệu quả, ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, cần xây dựng tiêu chí khung xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cho thôn, bản, ấp; sớm công bố kế hoạch vốn để làm tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đây cũng là vấn đề nhiều ĐB Quốc hội quan tâm. Theo ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), Chính phủ cần ban hành bộ tiêu chí chung về nông thôn mới để các địa phương thực hiện. Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư hạ tầng cho các xã trong danh mục nông thôn mới, cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình.

Lo địa phương khó huy động đủ nguồn cho chương trình

Quan tâm đến nguồn vốn đầu tư cho chương trình, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) băn khoăn, vốn cho giai đoạn tới cần huy động từ ngân sách địa phương khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%) là rất lớn, Chính phủ cần cân nhắc nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, địa phương khó mà huy động đủ nguồn vốn như đề xuất.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng nguồn lực huy động thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); vốn ngân sách địa phương (NSĐP) khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%); vốn lồng ghép từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại và các chương trình, dự án khác là khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 9%); vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83%).

Đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình những năm qua, song ĐB Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, chương trình vẫn còn những hạn chế, như: Tại các địa phương vẫn còn những quy định các tiêu chí riêng, nên còn chênh lệch; còn tình trạng chạy theo thành tích. ĐB chia sẻ, trên thực tế, có những nơi đã nhập 2 hộ cận nghèo thành 1 hộ để có hộ nghèo. Có gia đình không muốn thoát nghèo để được hỗ trợ của Nhà nước.

Do đó, ĐB Phan Văn Hòa đề nghị: “Hỗ trợ các huyện, xã trở thành nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu là cần thiết nhưng cần phải rạch ròi, tránh xin - cho. Không cần thành lập ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, để giảm bớt ban chỉ đạo".

Nhiều ý kiến cho rằng, cần huy động sức dân và các nguồn ngoài ngân sách cho chương trình. Về giao vốn, cần giao vốn sự nghiệp trung hạn 5 năm thay vì từng năm, để giải ngân vốn hiệu quả, tránh tình trạng phải trả lại vốn cho trung ương.

Chia sẻ với Chính phủ, ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thu ngân sách nhà nước rất khó khăn, sẽ không thể tăng thu đột biến được, nên bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần huy động vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cho chương trình này.

Phát biểu giải trình làm rõ thêm các vấn đề ĐB Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, bản thân ông rất áp lực với hơn 156 ý kiến tại tổ và 16 ý kiến tại hội trường, cũng như nhiều ĐB bấm nút nhưng chưa được phát biểu. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với những kết quả đạt được thời gian qua và chương trình thực hiện giai đoạn tới, nông thôn chính là “nơi đáng sống, nơi tìm đến và nơi chúng ta quay về”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dùng cụm từ “to lớn toàn diện và mang tính lịch sử” để diễn tả kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhắc đến tính bền vững của chương trình, Bộ trưởng cũng cho rằng, cần phải bàn thêm.

Về ý kiến ĐB cho rằng, còn trùng lắp 3 chương trình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát để tránh tình trạng trùng lắp, chồng lấn.

Nhiều ĐB Quốc hội còn băn khoăn về cơ cấu bố trí vốn. Theo Bộ trưởng, trong điều kiện ngân sách trung ương còn đang khó khăn thì chúng ta tạm chấp nhận cơ cấu đó. Trong trường hợp nguồn thu ngân sách tốt hơn thì sẽ có phương án mới. Tuy nhiên, trước mắt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Quốc hội đồng ý theo phương án Chính phủ trình./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam