Huy động vốn khó khăn, rất cần đầu tư hiệu quả chương trình giảm nghèo

09:45 | 27/07/2021 Print
Sáng 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh huy động vốn khó, thì rất cần đầu tư hiệu quả đối với chương trình này.

quốc hội

Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp tại hội trường sáng 27/7. Ảnh: quochoi.vn.

Nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo còn dàn trải

Theo đại biểu (ĐB) Trần Quang Minh (Quảng Bình), chương trình thể hiện nhân văn sâu sắc, chung tay vì người nghèo, vì các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Cho ý kiến vào nội dung chủ trương lớn này, ĐB Trần Quang Minh cho rằng, cần bố trí kinh phí cân đối giữa các đề án và tiểu đề án. Các chính sách nghề nghiệp hiện nay được đào tạo nhiều sẽ lãng phí. Chính phủ cần chú ý đào tạo nghề cho nông thôn, hiện nay còn chưa hiệu quả, đặc biệt là sau đào tạo.

Một số ĐB đồng tình với ý kiến cho rằng, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; nhiều công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn nghèo có quy mô nhỏ nên hiệu quả sử dụng, tác động đến đời sống dân sinh, phục vụ sản xuất còn hạn chế. Đây cũng chính là vấn đề được người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, tại tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư các chương trình này.

“Bộ công cụ rà soát hộ nghèo cần được điều chỉnh hợp lý, tránh lãng phí, giảm ý nghĩa chương trình. Bên cạnh đó, cần sự chung tay của các doanh nghiệp, tiêu thụ cho sản phẩm, giúp địa phương, người dân yên tâm sản xuất. Điều chỉnh chỉ tiêu thiếu hụt về nhà ở, tôi cho rằng, cần điều chỉnh từ 50% lên 70%, kèm theo là mức hỗ trợ tương xứng.” - ĐB Trần Quang Minh nói.

ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, rất khó huy động vốn trên 14 nghìn tỷ đồng (nguồn huy động hợp pháp khác theo tờ trình Chính phủ) cho chương trình trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Mục tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu: giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khan; hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt...

Nhìn vào các chỉ tiêu của chương trình, ĐB Trần Chí Cường cho rằng, mức độ đầu tư chưa tương xứng với mục tiêu, do đó cần tăng bố trí vốn từ nguồn ngân sách cho chương trình.

Theo ĐB Chau Chắc (An Giang), trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khó khăn, cần đầu tư hiệu quả hơn các dự án của chương trình; khắc phục tình trạng vừa qua, mục tiêu cao nhưng có dự án số vốn đầu tư chỉ đạt khoảng 60%.

Cần giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi

Có ý kiến cho rằng, muốn thực hiện giảm nghèo bền vững, cần giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi, Nhà nước chỉ hỗ trợ cơ chế, chính sách và hướng dẫn; khơi dậy khát vọng cho người nghèo, quan tâm tới hộ cận nghèo và mới thoát nghèo - ranh giới rất mong mạnh chuyển sang hộ nghèo. Cần quan tâm chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người. Vùng nghèo hạ tầng phải đi trước một bước, nhưng chứng minh trên thực tế không hẳn như thế, mà phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân, đầu tư sinh kế và đào tạo nghề cho người dân.

Giải trình làm rõ thêm một số vấn đề ĐB Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo thời gian qua đã đạt được những thành tựu nổi bật, ngân sách nhà nước đã đầu tư và huy động các nguồn lực cho chương trình ngày càng tăng.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Thời gian qua, chương trình đã điều chỉnh 6 lần. Số hộ nghèo năm 1993 lên tới 58,1% nay đã giảm mạnh. Hiện chúng ta đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Đầu tư cho chương trình từ ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn, sang cơ chế Nhà nước chỉ giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, người dân và hộ nghèo là chủ thể. Đây là bước đi rất dài của nước ta trong giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng của giảm nghèo”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn tới, nước ta tập trung vào giảm nghèo đa chiều. Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo ở đầu kỳ sẽ tăng rất cao, nhiều chương trình đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn. Cần đầu tư thỏa đáng để đời sống của người dân tăng, tăng khả năng tiếp cận, để giảm nghèo thực chất và bền vững.

Khẳng định trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mục tiêu bao trùm của chương trình là xóa đói nghèo cho tất cả mọi người, mọi nơi trên đất nước, trong đó có cả hộ nghèo phát sinh và hộ nghèo do tác động của dịch Covid-19, chú trọng các địa bàn khó khăn. Chính phủ chỉ đạo thực hiện có tiêu chí cụ thể, đối tượng địa bàn đầu tư, tích hợp các nguồn lực để mang lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

“Chính phủ sẽ nghiên cứu cụ thể, cách tiến hành, đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách trong thực tế” - người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh thêm.

Theo tờ trình của Chính phủ tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 75.000 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu nguồn vốn như sau: Ngân sách trung ương chi 48.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng); ngân sách địa phương chi 12.690 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.200 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 10.490 tỷ đồng); huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.600 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 11.710 tỷ đồng)./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam