Nhanh chào tháng 8

09:07 | 26/07/2021 Print
(TBTCVN) - Trong 14 ngày, từ 0h ngày 19/7, 19 tỉnh, thành miền Nam áp dụng Chỉ thị 16, giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo quy định và thậm chí còn tính ở mức cao hơn như TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Miền Bắc cũng hàng loạt tỉnh, thành giãn cách. Giữa mùa hè buộc phải “ngủ đông”, tưởng rằng thời gian sẽ trôi đi rất chậm, nhưng không.

Ngày nối ngày đang qua đi rất nhanh, khi gần như ngày nào cũng có những sự việc… “để đời”. Nhưng bức xúc ngay đấy mà có thể thở phào ngay đấy và đọng lại sau mỗi câu chuyện, là niềm hy vọng, dẫu đại dịch, thì cuộc đời vẫn luôn đẹp sao. “Bánh mì” là một trong những câu chuyện như vậy. Dư luận ngày 18/7/2021 “dậy sóng” khi Tổ công tác của UBND phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang kiểm tra, tạm giữ giấy tờ và phương tiện xe máy của công dân Trần Văn Em chỉ vì địa bàn này đang phải thực hiện quy định giãn cách mà anh này dám “cả gan” ra đường mua bánh mì cho một người bạn đang bị ốm nằm nhà.

Nhanh chóng “hạ hỏa” cho dư luận, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa ra kết luận Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa Trần Lê Hữu Thọ đã nhận thức không đầy đủ, dẫn tới xử lý cứng nhắc, không đúng tinh thần Chỉ thị số 16 khi làm nhiệm vụ kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19; có thái độ, ứng xử thiếu chuẩn mực đối với người dân trong thực thi công vụ, gây bức xúc trong dư luận nhân dân khi kiểm tra, tạm giữ giấy tờ và phương tiện xe máy của công dân Trần Văn Em.

Cùng lúc, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, Khánh Hòa có thư gửi công dân Trần Văn Em để xin lỗi và nhận khuyết điểm trong công tác quán triệt, lãnh đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố, nhất là đã để xảy ra vụ việc này. Chính quyền “thần tốc” xin lỗi dân, đây hẳn là hành động đặc biệt đẹp đẽ thời đại dịch.

ct16

Còn tại TP. HCM, nơi đông đúc dân cư nhất cả nước. “Ác mộng” chen nhau đi mua lương thực, thực phẩm vì vận chuyển, phân phối ách tắc kể từ khi TP. HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, đã nhanh chóng nhạt phai sau gần một tuần vật vã toát mồ hôi. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương cùng Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra sức đốc thúc, các hệ thống nhà phân phối, bán lẻ ra sức cam kết tăng mạnh hàng hóa cung ứng cho thị trường TP. HCM.

Hệ thống siêu thị MM Mega Market đã tăng lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu gấp 3 - 4 lần so với dự trữ hiện tại và tổ chức những xe hàng lưu động, chuyến hàng đồng giá 0 đồng để đưa hàng đến các vùng khó khăn do bị phong tỏa. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn SATRA tăng lên gấp 4 - 5 lần lượng hàng hóa thiết yếu so với bình thường, giá cả được giữ ổn định từ đầu tháng 7 đến nay. Đội xe khoảng 5.000 cái được cấp giấy thông hành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị lưu thông, vận chuyển hàng hóa…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gửi thư đến toàn thể người dân thành phố giãi bày: “Việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn thành phố từ 0h ngày 9/7 là một quyết định hết sức khó khăn, bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và nhất là đời sống của người dân, nhưng vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân thành phố, buộc chúng ta phải chọn lựa và cùng nhau quyết tâm tận dụng "thời gian vàng" này để thực hiện các biện pháp kiềm chế, ngăn chặn sự lây lan, từng bước kiểm soát dịch bệnh”.

“Thời gian vàng” đang trôi qua nhanh để nhanh chào tháng 8. Giờ đây, tháng 8 như một chân trời rộng mở đầy niềm lạc quan ở phía trước. Khi ấy, có hay không còn phải tiếp tục giãn cách dẫu là điều chưa thể khẳng định được ở nhiều tỉnh, thành, nhưng ít nhất, trong lúc chờ đợi này, tất cả người dân cũng như các cấp chính quyền giữ vững được niềm hy vọng rằng dẫu đại dịch, thì cuộc đời vẫn luôn đẹp sao; nhất định đại dịch sẽ sớm lui về thời quá vãng.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam