Chống dịch mỗi nơi mỗi kiểu: Bài học lớn về liên kết vùng

00:09 | 26/07/2021 Print
Câu chuyện phòng, chống dịch Covid-19 và sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương cả nước, dẫn đến những ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như làm giảm hiệu quả nguồn lực phòng chống dịch tiếp tục là chủ đề được một số đại biểu đề cập, trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 25/7.

Giảm tối đa những điều kiện khác biệt không cần thiết

Tại phiên thảo luận buổi chiều, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), một gương mặt mới tại nghị trường Quốc hội, đã đóng góp một số nội dung chi tiết vào các báo cáo, dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

ĐH
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình)

Theo đại biểu, các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ kỳ này rất chất lượng, thẳng thắn, toàn diện và khoa học với các mặt được, chưa được và giải pháp cho từng giai đoạn. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn các giải pháp thực hiện mục tiêu kép được nêu trong báo cáo, đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT).

Bởi, theo đánh giá của đại biểu, dịch bệnh hiện ở các địa phương khác nhau và các biện pháp phòng, chống dịch cũng rất khác nhau. Mặc dù các biện pháp là cần thiết nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp đã dẫn đến tình trạng ùn tắc lớn về lưu thông hàng hóa và con người.

"Ngay tại đây, bây giờ trên các tuyến đường quốc lộ vẫn đang diễn ra sự ùn tắc về mặt hàng hóa, nên việc phối hợp giữa các địa phương trong trường hợp này là giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết, thì sẽ dẫn đến tăng cường sự lưu thông, vận chuyển hàng hóa" - đại biểu Phan Đức Hiếu nói.

Phân tích ở khía cạnh phối hợp nguồn lực phòng chống dịch giữa các địa phương, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) trước đó cho rằng: "sự chới với của các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm trong tâm bão của dịch đã cho thấy một bài học rất lớn về câu chuyện liên kết vùng".

"Nếu như các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước được liên kết chặt chẽ như quyết tâm chính trị được đặt ra từ cách đây 20 năm, nền tảng liên kết vùng là cơ chế chia sẻ, điều phối nhân lực, vật lực giữa các tỉnh, thành trong vùng, thay vì 63 nền kinh tế trong 63 tỉnh mà các chuyên gia đã nhận định trong nhiều năm liền thì có lẽ bài toán về nguồn lực cho phòng, chống dịch không khó để tìm được lời giải" - đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận xét.

Với số ca mắc hiện vẫn tăng cao, đại biểu cho biết hiện nguồn nhân lực, vật lực y tế đang trong tình trạng quá tải. Như vậy, "nếu đến đỉnh dịch thì nguồn lực này sẽ chống chọi ra sao để vượt bão? Tăng trưởng kinh tế sẽ như thế nào sau đợt dịch lần này vẫn là câu hỏi lớn mà đến giờ chúng ta vẫn chưa thể khẳng định một cách rõ ràng" - đại biểu đoàn Bình Dương đặt vấn đề.

PTN
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương).

Thiếu liên kết, phối hợp khó thực hiện mục tiêu kép

Từ thực tế một địa phương đang là điểm nóng của dịch, đại biểu Phạm Trọng Nhân chia sẻ câu chuyện lớn đặt ra mỗi ngày mà trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh họp giao ban trực tuyến với các huyện, thị thành của tỉnh vẫn là sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực và vật lực y tế. Số ca F0 càng tăng, dự báo sẽ còn tăng nhiều trong nhiều ngày nữa do cả TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đều chưa đạt đến đỉnh dịch, trong khi lực lượng tuyến đầu chống dịch đều đã được huy động và lan tỏa khắp nơi nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chia sẻ, chỉ qua một ngày phát hành công văn khẩn thiết kêu gọi chi viện, Bình Dương đã bắt đầu nhận được nhân lực và vật lực y tế đầy nghĩa tình từ các tỉnh, thành và các đơn vị trên cả nước. Hay thư ngỏ của Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc hay nghỉ hưu tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch của TP. Hồ Chí Minh. Kết quả này của Bình Dương và thư kêu gọi của TP. Hồ Chí Minh đã để lại bài học trong liên kết vùng hay sản xuất, kinh doanh giữa tâm dịch.

LH
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)

Ở góc độ ngành Y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một kịch bản đồng bộ, đầy đủ trong phòng chống dịch. Đại biểu nêu rõ, trong đợt dịch bùng phát này, không thể lấy ca nhiễm của một tỉnh được coi là tiêu chí thành công, "vì với chủng Delta này chúng ta không thể biết được, có khi buổi sáng thức dậy tỉnh mình đã bùng phát rồi" - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Do đó, tiêu chí để chống dịch tốt đó chính là chúng ta có kịch bản đầy đủ cho việc tránh bùng phát dịch. Theo đại biểu, giai đoạn này chúng ta cần thiết theo nguyên tắc chung của cả nước để chống dịch. Đó là 3 nguyên tắc: chống lây lan tối đa; giảm tỷ lệ tử vong tối đa, ít nhất là thấp hơn hoặc tương đương với các nước xung quanh; bảo đảm phát triển kinh tế.

Còn từ góc độ tăng trưởng kinh tế để thực hiện mục tiêu kép, đại biểu đoàn Bình Dương lưu ý việc sản xuất trong tâm dịch đã gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, nay với việc ngăn sông cấm chợ, địa phương này cách ly với địa phương khác, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất vô cùng khó khăn thì "việc đảm bảo thực hiện mục tiêu kép phải làm thế nào?".

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam