Nhiều dư địa và cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%

21:59 | 25/07/2021 Print
Một số đại biểu băn khoăn chỉ tiêu tăng trưởng GDP của giai đoạn là 6,5 - 7% là tương đối cao, sẽ khó khăn khi thực hiện. Song, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có rất nhiều các dư địa và các cơ hội để chúng ta có thể thực hiện mục tiêu này.

BTC

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Quốc hội.

Theo sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, chiều 25/7 tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình một số vấn đề về các kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế, thực trạng sức khỏe doanh nghiệp (DN) và việc triển khai Luật Quy hoạch.

Cơ hội 6 tháng cuối năm còn nhiều

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù đã đạt những kết quả tích cực vừa qua song kinh tế vẫn đối mặt với những khó khăn với nhiều hạn chế yếu kém cần tập trung xử lý trong 6 tháng cuối năm.

Trong đó, thách thức lớn nhất hiện nay là phải phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm. Đây là điều mà Bộ trưởng cho là "rất khó khăn" và nêu ra một loạt hạn chế như nhập siêu đã xuất hiện trở lại; xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít của thị trường; các thị trường tài chính bất động sản, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro; sắp xếp và cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm….

Trên thị trường, giá cả một số mặt hàng cơ bản lại tăng làm gia tăng khả năng lạm phát và ảnh hưởng đến đầu tư toàn xã hội. Khả năng đứt gãy của chuỗi sản xuất, cung ứng, tỷ lệ dân số được tiêm chủng vắc-xin còn thấp. Cùng với đó, thu hút FDI có dấu hiệu suy giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Giải ngân đầu tư công chậm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận xét cơ hội của 6 tháng cuối năm có rất nhiều, như là khí thế mới sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII với nhiều quyết sách quan trọng; nhiều chính sách, giải pháp trong bối cảnh Covid-19 được phát huy hiệu quả… Trong 6 tháng cuối năm, điều quan trọng nhất và là nhiệm vụ hàng đầu là kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và "không đánh đổi sự an toàn, sức khỏe của người dân để lấy tăng trưởng bằng mọi giá".

Về kế hoạch của 5 năm, một số đại biểu băn khoăn chỉ tiêu tăng trưởng GDP của giai đoạn là 6,5 - 7% là tương đối cao, sẽ khó khăn khi thực hiện. Song, lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có rất nhiều các dư địa và các cơ hội để chúng ta có thể thực hiện mục tiêu này. Do đó, Chính phủ kiến nghị quyết tâm thực hiện đạt được mục tiêu này để tạo nền tảng cho giai đoạn 2021 - 2025, cũng như là các mục tiêu kinh tế - xã hội mà đại hội Đảng đề ra cho giai đoạn 2030 - 2045.

Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau khi hết dịch bệnh

Báo cáo thêm về tình hình sức khỏe doanh nghiệp (DN), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện chúng ta có 870.000 DN nhưng 97% là DN nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, lại gặp phải việc chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng giảm mạnh. Nhiều DN phải đối diện với rủi ro thu hồi nợ và mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoạt động. Năm 2020 tỷ lệ DN có lợi nhuận chiếm 33,86%, 3 tháng đầu năm có khoảng 60% DN phát sinh doanh thu.

6 tháng đầu năm 2021 số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng cao, tăng 24,9%, tức là xấp xỉ 25% số đã rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường, trong đó một số DN có quy mô vừa và lớn.

Với tinh thần đồng hành cùng DN, vừa qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều các chính sách hỗ trợ. Tới đây, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục cập nhật tình hình DN để kịp thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu các giải pháp, chính sách tiếp tục để hỗ trợ khó khăn cho DN và hiện nay Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiến hành nghiên cứu các gói hỗ trợ tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Đồng thời, có 5 giải pháp đang được Chính phủ chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thứ nhất, thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm thường trực để rà soát các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho tất cả các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế.

Thứ hai, kiến nghị các giải pháp, chính sách có thể giãn, hoãn tối đa các khoản thuế, phí phải nộp cho DN.

Thứ ba, tập trung hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, hỗ trợ các DN tham gia cụm, chuỗi liên kết cũng như đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, tạo cơ chế luồng xanh cho hàng hóa của DN và người dân.

Thứ năm, đẩy nhanh cơ chế tiêm vaccine cho các DN trong các khu, cụm công nghiệp, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú.

"Về dài hạn, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành nghiên cứu một chương trình phục hồi kinh tế sau khi hết dịch bệnh, dự kiến sẽ có đề xuất và trình trong quý IV này" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Khối lượng lớn quy hoạch chưa hoàn thành


Về triển khai Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là lần đầu tiên chúng ta phải tổ chức đồng bộ thực hiện khối lượng quy hoạch rất lớn, gồm có một quy hoạch tổng thể quốc gia, 38 quy hoạch ngành quốc gia, 6 quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, 63 quy hoạch cấp địa phương, cấp tỉnh, ngoài ra còn hàng trăm quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành của các bộ, các ngành.

Khối lượng rất lớn như vậy nhưng do lần đầu tiên làm theo phương pháp vừa tổng thể vừa tích hợp, nên năng lực và nhân lực để làm công tác này, kể cả tư vấn còn rất hạn chế, việc triển khai rất khó và rất lúng túng. Hiện nay mới xong được một quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang trình cho hội đồng thẩm định. 2 quy hoạch của địa phương đã xong là Bắc Giang và Hà Tĩnh. Còn lại trong năm 2021 này sẽ có 15 quy hoạch. Dự kiến sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị về công tác quy hoạch.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam