Quyết liệt phòng chống dịch nhưng không thái quá, cực đoan

11:51 | 25/07/2021 Print
Theo chương trình làm việc mới được rút ngắn, sáng chủ nhật 25/7, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

NTT

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Không vì cách ly mà làm đứt gãy nền kinh tế

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với các báo cáo và ghi nhận sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ trong phòng chống dịch cũng như phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh sắp tới dự báo còn rất phức tạp, một số đại biểu cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất cho thời gian tới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), chúng ta quyết liệt phòng chống dịch nhưng không nên áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan. Thời gian qua, nhiều địa phương đã có các biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa khó khăn cho người dân. Tuy nhiên còn một số địa phương áp dụng biện pháp thái quá, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp, ví dụ không cho xe chở nông sản đi qua dù đã có giấy kiểm dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được qua chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh một quy định….

"Cả nước như một cơ thể sống có quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế."- đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh.

Đánh giá những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch "đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp", đại biểu cho rằng quyết định của Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân. Cùng với đó, đại biểu tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp cho việc rà soát chính xác, nhanh chóng các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời tránh việc bỏ sót, trùng lắp hoặc tiêu cực có thể xảy ra trong chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

"Chính phủ cần giao các bộ hữu quan rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới."- đại biểu kiến nghị.

Cần thiết thực hiện một số biện pháp chưa có luật

Cũng về chính sách an sinh xã hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề cập đến việc gói 62.000 tỷ đồng năm ngoái thực hiện chưa kịp thời, khi mới giải ngân được 36% tổng mức dự kiến. Lần này Chính phủ xây dựng gói 26.000 tỷ đồng thủ tục thông thoáng hơn là cần thiết; đồng thời, trong việc hậu kiểm cần cân nhắc theo tinh thần nhân văn.

Đại biểu phân tích, một số lĩnh vực như thuế, hải quan đang áp dụng hậu kiểm, trường hợp kê khai không đúng sẽ truy thu, xuất toán. Nhưng với gói hỗ trợ an sinh lại khác, bởi khi kê khai, người dân chỉ biết nộp hồ sơ, việc xác định tính đúng đắn là trách nhiệm của cơ quan công quyền, khi xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên công nhận tính đúng đắn. "Chính sách hỗ trợ giúp người dân đi qua khó khăn, nên hành xử cũng phải nhân văn."- đại biểu đề nghị.

Ngoài ra, đại biểu lưu ý những chính sách đặc biệt, khẩn cấp là cần thiết để ứng phó với Covid-19, song cần khống chế thời hạn thực hiện. Mặt khác, cũng cần xác định cụ thể trách nhiệm để không xảy ra trục lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề cập đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp. Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ớt. Bình quân mỗi tháng trong nửa đầu năm nay có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều cùng kỳ. Trong đó, 622 doanh nghiệp vốn trên 100 tỷ đồng rút khỏi thị trường. Bình quân 3.836 doanh nghiệp thành lập mới, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ.

"Chính phủ cần nghiên cứu, giải pháp không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bớt khó khăn mà còn có cơ hội phục hồi, bứt phá thời gian tới."- ông đề nghị.

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông), thời gian tới, điều quan trọng là phải tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định và phục hồi kinh tế.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa. Tôi cho rằng việc Quốc hội giao cho Chính phủ quyền chủ động thực hiện và quyết định thực hiện một số biện pháp chưa có luật hoặc khác quy định là rất cần thiết, cần được thực hiện ngay kỳ này."- đại biểu Nguyễn Trường Giang nói./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam