Chính phủ nỗ lực thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực

17:23 | 24/07/2021 Print
Chiều 24/07, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trình bày Báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Báo cáo thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực với tinh thần chủ động, sớm vào cuộc.

bộ trưởng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại Quốc hội chiều 24/7. Ảnh: quochoi.vn.

Cắt giảm từ dự toán ngân sách trung ương 55 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (NSNN) (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành NSNN phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu NSNN, đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách. Theo đó, ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao.

Về THTKCLP trong đầu tư công, quản lý tài sản công, theo báo cáo của Chính phủ, hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công đã được sửa đổi, phù hợp hơn với thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ giao toàn bộ kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2020 một lần theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định. Kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao góp phần vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020; giảm chi thường xuyên xuống còn 63,85%, chi đầu tư tăng lên 27,6% tổng chi ngân sách.

Công tác THTKCLP còn được thể hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 héc ta đất; kiến nghị thu hồi nộp NSNN 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 héc ta đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536 ha đất.

THTKCLP trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, qua thống kê, năm 2020, hệ thống pháp luật về quản lý đất đai tiếp tục được hoàn thiện, đã đưa hơn 63 nghìn héc ta đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, đã chuyển dịch gần 76 nghìn héc ta đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị; đã thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án, với diện tích gần 30 nghìn héc ta đất. Công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực hơn.

THTKCLP trong tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế.

Theo đó, đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; năm 2020 đã thực hiện tinh giảm biên chế gần 24 nghìn người. Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm).

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Đó là, một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình THTKCLP năm 2020 và chậm báo cáo kết quả THTKCLP năm 2020 so với thời hạn quy định. Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục...

Năm 2021, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp THTKCLP trên các lĩnh vực theo quy định của Luật THTKCLP để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự xã hội, phát triển kinh tế; phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội thông qua (GDP tăng khoảng 6%, bình quân GDP đầu người khoảng 3.700 USD).

Nhiều sáng kiến trong thực thi nhiệm vụ giúp tiết kiệm ngân sách

Sau khi Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác THTKCLP năm 2020.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác THTKCLP năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Chính phủ đã ban hành Chương trình THTKCLP sớm hơn so với năm trước; xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành lồng ghép các nội dung liên quan đến THTKCLP, ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các vấn đề lớn, quan trọng... tạo tiền đề thực hiện tốt công tác THTKCLP.

“Chính phủ đã tích cực đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Một số sáng kiến trong công tác kiểm soát dịch bệnh đã được triển khai giúp tiết kiệm NSNN; gắn kết chặt chẽ quản lý NSNN với quản lý ngân quỹ nhà nước, cải cách công tác phát hành trái phiếu Chính phủ để tiết kiệm chi NSNN, hỗ trợ ngân hàng nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ.”- báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu rõ.

Đáng chú ý, Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá cao Chính phủ trong việc xây dựng các văn bản pháp luật. Hệ thống văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công tiếp tục được hoàn thiện; việc rà soát xử lý xe dôi dư, sắp xếp xử lý nhà đất, trụ sở làm việc, nhà công vụ tiếp tục được triển khai nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm NSNN.

Một số vấn đề là tồn tại, hạn chế cũng được Ủy ban Tài chính Ngân sách thẳng thắn chỉ ra và đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả./.

Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá rõ hơn chống lãng phí đất đai, tài nguyên

Cho ý kiến về vấn đề này trong phiên họp tại tổ chiều 24/7, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách.

ĐB Vũ Đại Thắng (Quảng Bình) cho rằng, các báo cáo đã chỉ ra các tồn tại hạn chế, khẳng định rõ hơn năm 2022 phải thực hiện giám sát tối cao về vấn đề này. ĐB đề nghị cần quản lý chặt chẽ để THTKCLP đối với tài nguyên, khoáng sản. Hiện nay việc quản lý tài nguyên còn nhiều sơ hở, gây thất thu NSNN.

Ngoài ra, ĐB cho rằng, Chính phủ cần đánh giá rõ hơn lãng phí thất thoát trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt cần tiếp tục giám sát để có biện pháp cụ thể đối với 12 dự án thua lỗ ngành Công thương.

Đối với các dự án đầu tư công, ĐB Vũ Đại Thắng đề nghị cần giám sát chặt chẽ tiến độ triển khai, thúc đẩy các dự án sử dụng vốn vay trong nước và nước ngoài. “Đây là tiền vay về phải trả, nếu không quản chặt sẽ lãng phí lớn, từ lãi vay đến các điều cam kết với nhà tài trợ”, ĐB Vũ Đại Thắng nói.

Theo ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam), Chính phủ cần giám sát chặt chẽ đối với lãng phí đất đai, “hiện đang là câu chuyện của cả nước”. ĐB cho rằng, khi tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh như hiện nay, thì càng cần phải có giải pháp căn cơ, hữu hiệu, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam