Đại biểu Quốc hội lo ngại huy động nguồn lực cho đầu tư công giai đoạn tới

11:59 | 24/07/2021 Print
Sáng 24/7, thảo luận tổ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về nguồn lực đầu tư công cho giai đoạn này lên đến 2,87 triệu tỷ đồng, với nguồn vớn lớn như thế, liệu chúng ta có huy động được hay không.

họp tổ

Phiên họp tổ sáng 24/7 thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phải nỗ lực thu ngân sách mới có nguồn chi cho đầu tư phát triển

Theo đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh (Bình Định), dự kiến tổng mức đầu tư công giai đoạn 2021-2025 hơn 2,8 triệu tỷ đồng, để đảm bảo tính khả thi, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. ĐB kiến nghị, nên cân nhắc tăng dự phòng vốn ngân sách trung ương (NSTW) từ 10% lên 15%. Muốn vậy thì phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm triệt để dành cho đầu tư phát triển. Ngân sách nhiều địa phương trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn, do đó nữ ĐB đề nghị, với các dự án trọng điểm, cần đầu tư toàn lực trong đó NSTW giữ vai trò chủ đạo.

Theo ĐB Vũ Đại Thắng (Quảng Bình), Chính phủ đưa mức vốn đầu tư hơn 2,8 triệu tỷ đồng là dựa trên các tính toán đảm bảo mức độ tăng trưởng của cả giai đoạn.

Tuy nhiên, như nhiều ĐB băn khoăn, ĐB Vũ Đại Thắng cũng cho rằng, đây là mục tiêu rất khó. Giai đoạn 2016-2020, thực tế hụt khoảng 150 nghìn tỷ đồng; giai đoạn mới này, vốn tổng vốn đầu tư phát triển nguồn vốn trong nước cao gần gấp đôi 5 năm trung hạn trước, việc bố trí vốn trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn. Bởi theo ĐB, muốn có vốn bố trí phải phụ thuộc vào khả năng thu ngân sách trong 5 năm tới.

“Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, thu ngân sách nhà nước sẽ gặp khó khăn. Do đó, NSTW phải hết sức nỗ lực đảm bảo nguồn thu, để có nguồn chi cho đầu tư phát triển”, vị ĐB là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình nói.

ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng bày tỏ: “Tôi hơi lo về nguồn lực, nguồn lực 2,870 triệu tỷ đồng thì liệu chúng ta có huy động được không”.

ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) và một số ĐB cùng đồng tình với những ý kiến trước đó, khi số vốn đầu tư công giai đoạn tới này cao hơn so với giai đoạn trước là 870 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn NSTW lên đến 1,3 triệu tỷ đồng.

Theo ĐB, 5 năm qua tổng vốn là 2 triệu tỷ đồng, trong đó, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách địa phương vượt trên 200 nghìn tỷ đồng, nhưng số vốn đầu tư nguồn NSTW lại hụt gần 150 nghìn tỷ đồng. Do đó, ĐB lo ngại: “liệu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, thì có đủ nguồn để cân đối dành cho đầu tư công theo như dự kiến hay không”.

Do đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ lại tổng nguồn vốn đầu tư công cho phù hợp tình hình thực tế.

Tránh “đẩy thế khó cho Quốc hội”

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) phát biểu đánh giá cao kết quả giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong năm 2020, giải ngân cao nhất, đạt trên 97%.

Theo ĐB Hồ Thị Kim Ngân, giai đoạn 2021-2025 dự kiến vốn đầu tư hơn 2,8 triệu tỷ đồng. Để nguồn vốn này phát huy hiệu quả như giai đoạn trước, trong quá trình phân bổ vốn cần ưu tiên các dự án kết nối liên vùng; khắc phục tình trạng giai đoạn trước, trong bố trí triển khai dự án, cần quan tâm các quy định còn chồng chéo, cần rà soát để có điều chỉnh phù hợp.

Trong bố trí nguồn vốn dự án, ĐB đề nghị tách phần vốn giải phóng mặt bằng, tăng tiến độ, nâng cao hiệu quả giải ngân của các bộ, ngành, địa phương.

ĐB Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, từ thực tiễn địa phương, trong quá trình bố trí vốn trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình trọng điểm trên cơ sở thực hiện, cần bố trí vốn đều trong cả giai đoạn, không nên dồn vào các năm cuối cuối giai đoạn.

Theo ĐB Lê Kim Toàn, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh đầy đủ “bức tranh” đầu tư công 5 năm qua của đất nước. “Không thể phủ nhận những thành tựu trong đầu tư công, kênh quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội. Đầu tư công đã dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội các vùng miền, địa phương.”- vị ĐB là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho hay.

Tuy nhiên, ông Lê Kim Toàn cho rằng, còn nhiều vấn đề đặt ra, cần khắc phục, như báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách đã nhận định.

ĐB quan tâm 3 vấn đề lớn, là cốt lõi của đầu tư công, đó là: phân bổ vốn kịp thời; phân bổ vốn và tính hiệu quả. Nếu làm được 3 điều đó, nghĩa là đầu tư công phát huy hiệu quả.

Một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm tại phiên họp tổ sáng 24/7 đó là kéo dài thực hiện kế hoạch của 12 dự án từ năm 2017 và năm 2018 chuyển sang. 12 dự án với số vốn là 4.118,884 tỷ đồng, theo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với các dự án trên. Một số ý kiến đề nghị tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công, theo đó, phải hủy dự toán và bố trí vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục thực hiện.

ĐB Lê Kim Toàn đề nghị nếu thực hiện các dự án này, cần phải hủy dự toán và bố trí vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục thực hiện.

Còn đối với 500 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, ông cho rằng, từ nay đến bế mạc kỳ họp thứ nhất này, cần yêu cầu 500 dự án đó phải bổ sung chủ trương đầu tư. Trong điều kiện không thực hiện được thì rà soát danh mục, dự án nào thực sự cấp bách, ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trước khi giao vốn; còn dự án nào không đủ thủ tục thì đưa ra khỏi danh sách.

Bởi theo ông, việc trình xin chủ trương với gần 500 dự án này là “đẩy thế khó cho Quốc hội”, “nếu linh động thì khó mà đạt pháp quyền, không linh động thì bảo cứng nhắc”.

Theo ĐB Vũ Đại Thắng, phân bổ các nguồn vốn còn có bất cập, hiện nay chủ yếu phân bổ theo kế hoạch hàng năm, do đó, ảnh hưởng đến năng lực, sáng tạo của chủ đầu tư dự án, nếu không muốn nói kéo lùi khả năng của ban quản lý dự án.

Với 12 dự án chậm tiến độ, đây là các dự án trọng điểm quốc gia, ĐB cho rằng đây là bất khả kháng trong quá trình thực hiện, do đó, cần quan tâm tạo điều kiện để chuyển các dự án này sang giai đoạn 2021-2025 như đề nghị của Chính phủ./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam