Sức ép dồn lên Kỳ họp thứ Nhất

11:29 | 18/07/2021 Print
(TBTCVN) - Dịch bệnh hoành hành, trong khi, việc kiện toàn bộ máy Nhà nước là không thể chậm trễ; cùng lúc, Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV phải quyết nghị cho toàn cảnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Từ ngày 12 đến 14/7/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp 58

Từ ngày 12 đến 14/7/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp 58 của UBTVQH, hoàn tất các công việc cho ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Sẵn sàng các kịch bản

Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, các phương án ứng phó phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/7/2021 và kéo dài trong 11,5 ngày làm việc, trong đó, dành một nửa thời gian cho công tác nhân sự.

Tại Hội nghị Trung ương 2 khoá XIII (tháng 3/2021), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 11, Kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIV diễn ra vào hơn 3 tháng trước, QH đã bầu, phê chuẩn 27 chức danh này. Trong đó, bầu ra Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch QH Vương Đình Huệ.

Kỳ họp đặc biệt

“Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV có nhiều nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt cho thành công cả nhiệm kỳ. Nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội Khóa XV là rất lớn. Trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, Quốc hội càng phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đến nay, sau cuộc bầu cử QH khoá XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026), Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục giới thiệu nhân sự để QH khoá XV bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Nhất theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cùng với 27 chức danh trên, Trung ương giới thiệu thêm 23 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước. Danh sách được giới thiệu ra QH bầu, phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Nhất là 50 chức danh gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH, Chánh án tòa án nhân dân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước; các Phó Chủ tịch QH, Ủy viên UBTVQH; Chủ nhiệm các Ủy ban của QH; các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ…

Hoàn tất công tác nhân sự

Tại Kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XV sẽ chính thức ra mắt 499 đại biểu QH đại biểu khóa mới, trong đó có 296 người lần đầu tiên là đại biểu QH. Tại phiên họp toàn thể cuối cùng của Hội đồng Bầu cử quốc gia ngày 12/7/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội Khóa XV đối với 499 người này.

Để có được 499 đại biểu QH khóa XV, ngày 23/5/2021, vượt lên những khó khăn chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19, gần 70 triệu cử tri đi bỏ phiếu, làm nên thành công rất tốt đẹp cho một cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đến thời điểm này, các địa phương đều đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ Nhất, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, hoàn thành việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của chính quyền địa phương các cấp. Chủ tịch QH đã ký phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, cán bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến cơ sở đã được kiện toàn. Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV sẽ kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, đồng thời kiện toàn nhân sự cấp cao (theo giới thiệu của Trung ương là 50 nhân sự) để hoàn tất toàn bộ công tác nhân sự từ Trung ương đến địa phương.

3 “nhất” của Quốc hội khóa XV

Có nhiều nhất đại biểu chuyên trách: Thành phần đại biểu Quốc hội (QH) Khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Tuy tỷ lệ đại biểu QH dự kiến hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ QH, tỷ lệ đại biểu QH dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu QH. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của đại biểu QH Khóa XV cũng cao hơn so với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ trên đại học cao hơn 16% so với Khóa XIV.

Có nhiều nhất đại biểu là người dân tộc thiểu số: Lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ QH, tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt 17,84%, cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên, nước ta có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Lự và Brâu) trong Quốc hội.

Có nhiều nhất đại biểu nữ: QH khóa XV có số lượng đại biểu QH là phụ nữ nhiều nhất từ trước đến nay với 151 đại biểu, đạt tỷ lệ 30,26%. Tỷ lệ này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu QH.

* Lửa thử vàng

Hơn 3 tháng qua, với sự bùng phát của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã thực sự biến đây là thời kỳ “lửa thử vàng” đối với cả ba chức danh lãnh đạo chủ chốt mới của đất nước. Ở cương vị là người đứng đầu Nhà nước, vào thời điểm mà dịch Covid-19 ở Việt Nam mới chỉ chớm bùng phát trở lại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gần như ngay ra lập tức ra được thông điệp. Đó là ngày 30/4/2021, đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: “cả nước đồng lòng cương quyết không để Việt Nam phải trải qua một cuộc khủng hoảng y tế như một số nước; không để khủng hoảng y tế dẫn đến khủng hoảng kinh tế”.

Cùng với đó, ông gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chậm trễ của chiến lược vắc-xin và ráo riết thúc đẩy công cuộc ngoại giao vắc-xin. Theo Chủ tịch nước, mục tiêu đảm bảo đủ vắc-xin, triển khai nhanh, hiệu quả và an toàn kế hoạch tiêm vắc-xin tại thời điểm này có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả chống dịch, đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường cũng như thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế cho năm 2021 và những năm tiếp theo. Cùng với Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành liên quan đã khẩn cấp nhập cuộc ngoại giao vắc-xin, đưa đến kết quả là Việt Nam đã có được cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trên 100 triệu liều vắc xin trong năm 2021.

Với Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong hơn 3 tháng trên cương vị mới, ông đã bước đầu thực hiện được 3 điều kiên quyết. Đó là: Quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất; Chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết, điều trị tích cực, cứu chữa người mắc bệnh Covid-19, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể các trường hợp tử vong; Không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn lớn đời sống Nhân dân.

Rất nhanh chóng, cũng chỉ trong quãng thời gian hơn 3 tháng, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã nắm chắc mọi hoạt động của các cơ quan của QH. Các phiên họp của UBTVQH do ông chủ trì luôn có sự có mặt của các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đến trực tiếp báo cáo. Các báo cáo này đều được Chủ tịch QH soi chiếu rất kỹ lưỡng, chỉ ra những khoảng trống Chính phủ cần bổ sung và các thành viên Chính phủ đều “tâm phục khẩu phục”trong tiếp thu. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ có quyết tâm rất cao trong tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của QH, bảo đảm QH thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Tại Hội nghị Trung ương 3, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất tiếp tục giới thiệu để tại Kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XV bầu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ứng cử vào chức danh đương nhiệm.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam