3 điều kiên quyết của Thủ tướng

09:46 | 14/07/2021 Print
(TBTCVN) - Chống chọi với làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 cam go chưa từng có trong hơn một năm qua, hàng loạt các tỉnh phía Nam buộc phải thực hiện giãn cách xã hội. Chính phủ đang dồn nỗ lực cao nhất để đưa cuộc sống trở về bình thường nhanh nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính có 3 điều kiên quyết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống dịch và phát triển kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống dịch và phát triển kinh tế tại tỉnh Long An, ngày 10/7/2021.

Đó là: Quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất; chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, điều trị tích cực, cứu chữa người mắc Covid-19, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể các trường hợp tử vong; không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn lớn đời sống nhân dân.

“Nín thở” chờ bình minh

Lần đầu tiên, vào 5/7/2021, số ca nhiễm trong ngày lên đến hơn một nghìn người và tình trạng này kéo dài 7 ngày liên tiếp. Đến ngày 12/7/2021, kỷ lục đó bị xô đổ, với số ca nhiễm ngày 12/7 lên đến hơn hai nghìn người, trong khi đúng thời điểm này tháng trước, số ca nhiễm mỗi ngày lên đến 300 người, đã là con số gây sửng sốt. “Nín thở” chờ bình minh để công bố số ca nhiễm mới là tình trạng của nhiều tỉnh, thành đang trong vùng “chiến sự”. TP. Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế lớn nhất cả nước đã buộc phải áp dụng cấp độ chống dịch cao nhất, giãn cách toàn thành phố. Nhiều địa phương khác cũng lục tục “đóng cửa”.

Không gian tĩnh mịch bao trùm lên thành phố đông dân nhất cả nước. Các trạm kiểm soát được dựng lên khắp nơi như những “chiến hào”.

TP. Hồ Chí Minh đã lập Sở chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 do Chủ tịch UBND Thành phố là Chỉ huy trưởng; lập Trung tâm điều phối xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố là Trưởng Trung tâm; lập Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu về dịch bệnh. Xây dựng và thành lập 8 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị với gần 30.000 giường; chuẩn bị phương án 50.000 giường…

Cùng nhau quyết tâm

“Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn, gian khổ, chúng ta lại càng phải đoàn kết thống nhất phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng. Chúng ta có niềm tin sẽ đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an, sức khỏe cho Nhân dân và phát triển đất nước. Chúng ta cũng tin tưởng rằng, qua cuộc chiến chống dịch này, chúng ta lớn mạnh hơn, trưởng thành hơn, vững vàng hơn và bản lĩnh hơn trong thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường”. - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng đều trong trạng thái “nín thở”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi đi kiểm tra tình hình tại Long An đã lệnh cho tỉnh được phép đặt ưu tiên chống dịch lên hàng đầu, chỉ những địa bàn nào an toàn, đủ điều kiện mới tập trung phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là địa phương có mối liên hệ rất chặt với TP. Hồ Chí Minh. Nguy cơ cao nhất đến từ lực lượng lao động hàng chục nghìn người thường xuyên đi lại giữa TP. Hồ Chí Minh và Long An hằng ngày (hơn 30.000 người từ Long An về TP. Hồ Chí Minh làm việc và 20.000 người từ TP. Hồ Chí Minh về Long An). Hiện Long An đã có 488 ca bệnh, nguy cơ lây lan trong các khu công nghiệp là khá lớn. Trong số 15 đơn vị hành chính cấp huyện, Long An đã thực hiện Chỉ thị 16 (là Chỉ thị cho phép địa phương chống dịch ở mức cao nhất) với 5 đơn vị giáp TP. Hồ Chí Minh, 10 huyện còn lại áp dụng Chỉ thị 15.

Đồng Nai, địa phương cũng có số lượng người làm việc từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đi và về hằng ngày rất đông. Trên địa bàn các huyện, thành phố có mật độ dân cư cao, công nhân đông, khu công nghiệp nhiều như: TP. Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất... dịch đang bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Hàng chục xã, phường với tổng số trên 66 ngàn hộ dân, hơn 253 ngàn nhân khẩu của Đồng Nai đã bị phong tỏa theo quyết định của UBND tỉnh. Thời gian tới, dự báo số lượng người tại đây liên quan đến các ca F0 tăng cao, vào khoảng từ 4.000 đến 6..000 người (bình quân 150 - 200 người/ngày).

Không để có lỗi với dân

Giãn cách là một giải pháp cực kỳ khó khăn, bởi giãn cách, điều đó có nghĩa là nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng lại; có nghĩa là có thêm nhiều cảnh đời đã nghèo lại càng nghèo thêm, đã éo le càng thêm éo le… Nếu để dịch bệnh hoành hành không kiểm soát được thì là có lỗi với dân, nhưng vì chống dịch mà khiến dân rơi cảnh lao đao, cơ hàn, cũng là có lỗi.

“Phải làm ngay việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, nếu để người dân thiếu ăn, thiếu mặc là có lỗi với Nhân dân” - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu với các địa phương - “đã phong tỏa thì phải lo toan hết sức cho người dân, nhất là những người sống lang thang ở vỉa hè, góc phố, bán vé số, lao động tự do, bán hàng rong… không được phép bỏ sót một ai. Cấp xã, phường phải nắm được hết từng người, hỗ trợ kịp thời giúp người dân yên tâm”.

Theo Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, muốn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có việc hạn chế sự đi lại. Mà muốn hạn chế việc đi lại phải đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người không có tích lũy, không có thu nhập để họ bị đói, đứt bữa.

“Dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và chắc chắn chưa thể kết thúc trong ngày một ngày hai. Những ngày này, chúng ta chứng kiến rất nhiều hình ảnh các cháu bé phải đi cách ly. Những người dân nhất là lực lượng lao động trực tiếp, lao động tự do phải xếp hàng dài để nhận bữa cơm miễn phí, hay người dân ở các thành phố xếp hàng để mua hàng hóa, nhu yếu phẩm chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới” - ông Đào Ngọc Dung nói, “những hình ảnh như vậy cho chúng ta nhiều suy ngẫm, ý nghĩa sâu sắc và sự cần thiết trong triển khai các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người dân. Cơ quan nào, địa phương nào, cá nhân nào chậm thực hiện việc hỗ trợ hoặc để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với người dân”.

Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong vài ngày vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân được hơn 80 tỷ đồng hỗ trợ người dân nơi đây, đạt tỷ lệ 24% tổng số ngân sách địa phương dành cho công việc này, đồng thời huy động nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo các đối tượng khó khăn. Thành phố cũng công bố 2.833 điểm được bán hàng phân bố rộng khắp; thí điểm thành công mô hình đưa hàng hóa thiết yếu đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn…

Mùa vải thiều khó quên

“Bài học từ Bắc Giang” là cụm từ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến để động viên tinh thần cho các tỉnh phía Nam vững vàng ý chí để sớm vượt qua cơn “bạo bệnh”. Bắc Giang là nơi hơn một tháng trước bị virut càn quét khắp các khu công nghiệp, trong khi ở lĩnh vực nông nghiệp, vải thiều - nông sản chủ lực của địa phương đến mùa thu hoạch cũng đối mặt với nguy cơ đổ bỏ vì nỗi sợ dịch bệnh. Tưởng như kinh tế của cả địa phương này sẽ ngã quỵ. Nhưng với sự vươn lên quật cường, Bắc Giang đã đứng dậy trên gian khó và đang nhanh chóng tái thiết mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, tỉnh đã kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều giải pháp vừa sản xuất, vừa chống dịch tại các nhà máy, khu công nghiệp. Nhờ đó, đến nay, nhiều chỉ số kinh tế hết sức tích cực, tăng cao so với năm ngoái. Trong 4 khu công nghiệp của Bắc Giang đã có hơn 82 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh đi làm trở lại, đạt khoảng 50% so với tổng số lao động của các doanh nghiệp trước khi tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19. Số lao động quay lại doanh nghiệp làm việc tăng gần 40 nghìn người so với thời điểm đầu tháng 7.

Đặc biệt, Bắc Giang có một mùa vải thiều khó quên. Tỉnh đã tiêu thụ tốt 215.000 tấn vải thiều với tổng doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng. Mùa vải thiều năm nay của Bắc Giang có sản lượng, chất lượng cao nhất trong 12 năm gần đây, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao, ủng hộ đón nhận và tiêu thụ hết sức thuận lợi ở cả trong và ngoài nước. Sản lượng tiêu thụ vượt mục tiêu so với kế hoạch, kịch bản ban đầu, vượt kỳ vọng mà Bắc Giang đặt ra.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam