Dự kiến huy động hơn 2 triệu tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

16:05 | 13/07/2021 Print
Chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

TT

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình bày đề xuất của Chính phủ, tại phiên họp chiều 13/7.

Hai phương án bố trí nguồn lực cho chương trình

Theo đề xuất của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình MTQG) Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 có điểm mới là xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), trong đó: tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng NTM kiểu mẫu.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Mục tiêu cũng phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Về vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) và cơ cấu nguồn lực cho chương trình, Chính phủ đưa ra hai phương án.

Phương án thứ nhất đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua, trong đó mới cân đối bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng vốn NSTƯ cho chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Số này bao gồm vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng.

Dự kiến cơ cấu huy động nguồn lực thực hiện chương trình (trên cơ sở kết quả huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2016 - 2020), gồm: vốn NSTƯ 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,9%); vốn ngân sách địa phương (NSĐP) dự kiến khoảng 240.000 tỷ đồng (chiếm 11,5%); vốn lồng ghép của 2 chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 10,8%); vốn tín dụng dự kiến khoảng 1.330.000 tỷ đồng (chiếm 64%); vốn doanh nghiệp dự kiến khoảng 105.500 tỷ đồng (chiếm 5,1%); huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng khoảng 139.300 tỷ đồng (chiếm 6,7%).

Như vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 2.078.000 tỷ đồng (tương đương giai đoạn 2016 - 2020).

Phương án 2, nhu cầu vốn NSTƯ cần thiết bố trí cho chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 51.500 tỷ đồng (bao gồm 38.850 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 12.650 tỷ đồng vốn sự nghiệp), tăng 11.868 tỷ đồng so với phương án 1.

Cơ cấu nguồn lực huy động thực hiện chương trình gồm: Vốn NSTƯ hỗ trợ trực tiếp 51.500 tỷ đồng (chiếm 2,0 %); vốn NSĐP dự kiến khoảng 302.000 tỷ đồng (chiếm 11,6%); vốn lồng ghép từ 2 chương trình MTQG và các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn: dự kiến khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 8,6%); vốn tín dụng dự kiến khoảng 1.790.000 tỷ đồng (chiếm 68,5%), tăng hơn 1,3 lần so với giai đoạn 2016 - 2020; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác dự kiến khoảng 115.800 tỷ đồng (chiếm 4,4%); huy động đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư dự kiến khoảng 130.000 tỷ đồng (chiếm 5%).

Như vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 2.600.000 tỷ đồng, tăng 1,26 lần so với phương án 1.

Ngân sách khó khăn, cần đảm bảo tính khả thi trong bố trí nguồn lực

Tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nội dung về nguồn lực cũng đang có các ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất của đa số thành viên Chính phủ, bố trí đủ kinh phí theo đề nghị cho chương trình là 51.500 tỷ đồng để bảo đảm thực hiện toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nội dung của chương trình, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn hiện chiếm 63,2% dân số. Trước mắt cân đối nguồn lực bố trí 39.632 tỷ đồng, trong quá trình điều hành, tùy tình hình thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối NSTƯ để có thể hỗ trợ thêm cho chương trình.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị lựa chọn phương án tổng mức vốn cho chương trình là 39.632 tỷ đồng. Các ý kiến này cho rằng giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến thu NSNN khó khăn và không có yếu tố tăng đột biến, trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác. Do vậy, lựa chọn này phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Đối với nguồn NSTƯ, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội, khả năng bố trí NSNN để tăng chi ngân sách nói chung, tăng chi cho các chương trình MTQG nói riêng sẽ khó khăn. Do đó, căn cứ trên phương án do Hội đồng thẩm định nhà nước đề xuất, đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại số liệu, bảo đảm nguồn lực NSTƯ được bố trí hợp lý trên cơ sở chú trọng các nguyên tắc và thứ tự ưu tiên.

Về nguồn lực địa phương, một số ý kiến cho rằng số dự kiến bố trí từ NSĐP tăng khá cao so với giai đoạn trước sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, tránh phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Đối với các nguồn lực khác, có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở xác định nguồn vốn tín dụng thực hiện chương trình là 1,79 triệu tỷ đồng; làm rõ mối quan hệ với tổng dư nợ vay, khả năng đáp ứng trong ngắn hạn và trung hạn của hệ thống ngân hàng cũng như tính khả thi về khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng này.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị cần lưu ý tính khả thi của việc huy động nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp và cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh tác động đến sản xuất, kinh doanh và các xã phấn đấu đạt nông thôn mới đến năm 2025 là các xã còn nhiều khó khăn, khả năng tham gia đóng góp kinh phí khó khăn hơn.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam