Không ngừng đổi mới vì dân

01:59 | 07/07/2021 Print
(TBTCVN) - Ban Chỉ đạo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban đã họp phiên đầu tiên vào ngày 3/7/2021

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, chủ trì họp phiên đầu tiên của Ban Chỉ đạo, ngày 3/7/2021.

Trước khi diễn ra phiên họp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ trong chiều ngày 1/7/2021, để nghe ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong giới nghiên cứu pháp luật đến từ các bộ, ngành, cơ sở nghiên cứu và cả những người đã nghỉ hưu. Theo Chủ tịch nước, phải hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị cao nhất thì mới đảm bảo cho chiến lược thực sự có đột phá chứ không phải là “bổn cũ chép lại”.

Đặc biệt củng cố niềm tin

“Sau hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, việc xây dựng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở nước ta đã có bước phát triển mới với 4 điểm nổi bật, đó là: Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, nội dung, phương thức quản lý nhà nước từng bước được điều chỉnh phù hợp hơn. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước hết sức căn bản, vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội. Phân công, phân cấp, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa cơ quan nhà nước chuyển biến tích cực hơn và bộ máy nhà nước được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách giáo dục, cải cách tiền lương được coi là đột phá trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Bước đi chắc chắn

“Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng. Cách tiếp cận phải mới, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực; cần tiếp thu thành tựu của các mô hình nhà nước pháp quyền trên thế giới với bước đi chắc chắn, phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam”. - Chủ tịch nước. Nguyễn Xuân Phúc

Tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của nước ta trong kỳ đổi mới đến nay đã làm cho đất nước phát triển tốt hơn, ổn định. Đời sống nhân dân được cải thiện. Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên mọi mặt. Đặc biệt là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ được củng cố.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: Việc đổi mới chưa đồng bộ giữa kinh tế và tổ chức, bộ máy. Cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế giám sát, vai trò giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử chưa đạt mong muốn đề ra. Việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Việc xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa đủ răn đe. Cải cách tư pháp, cải cách hành chính chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.

Mở rộng cửa nhìn ra thế giới

Theo Chủ tịch nước, từ những thành công và tồn tại trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong những năm qua, Đại hội Đảng XIII tiếp tục xác định và nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, trong đó cần nghiên cứu ban hành nghị quyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được thực hiện từ lâu, thể hiện ngay từ Hiến pháp 1946. Do đó, cần có sự đánh giá, tổng kết quá trình này qua từng giai đoạn, qua đó xác định những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới với tầm nhìn 2030 và 2045. Nhiều ý kiến cho rằng, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong 10 và 25 năm tới phải có được những đột phá, giống như Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới đã có đột phá rõ ràng. Theo đó, chiến lược phải nâng tầm vai trò của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, nhà nước pháp quyền không vì nhà nước mà vì con người, trong đó có quyền con người, pháp luật vì con người. Đó là tư tưởng cội nguồn về nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng thì cần mở rộng cửa nhìn ra thế giới, có đánh giá tác động của hội nhập với việc xây dựng nhà nước pháp quyền của nước ta. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phải hài hòa với luật pháp quốc tế, đáp ứng được việc thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia và dân tộc. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bởi đã xuất hiện nhiều mô hình mới trong nhiều lĩnh vực xuất hiện thì pháp luật cũng phải theo kịp và điều chỉnh. Cùng với đó là làm rõ mối quan hệ và sự phân phấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương; mô hình chính quyền đô thị đang xuất hiện; vấn đề phát triển kinh tế vùng…

Hai thời kỳ, hai ban chỉ đạo

Hơn 8 năm trước, với mong muốn và quyết tâm cao hơn tạo bước chuyển biến mới, rõ rệt hơn trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, 5 phó trưởng ban gồm: ông Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Ngô Văn Dụ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Bá Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã ghi một dấu ấn đặc biệt, mở sang trang mới cho cuộc chiến với “giặc nội xâm” ở Việt Nam. Từ ngọn lửa được thổi bùng lên ở cuộc chiến này, tháng 10/2016, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 04, mở ra cuộc chỉnh đốn Đảng lớn chưa từng có trong vòng 3 thập kỷ qua.

Tại Đại hội XIII, tháng 1/2021, đại hội quyết nghị tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đồng thời với nhiệm vụ này là tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đây là các nhiệm vụ được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tháng 5 vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, gồm 21 thành viên, trong đó có 9 ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban. Phó Trưởng ban là Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được coi là một trong những điểm mới rất đặc sắc của nhiệm kỳ Đại hội XIII, có nhiệm vụ quan trọng ngang tầm với nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng. Ngay sau khi Ban Chỉ đạo này được thành lập, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo, đã chủ trì nhiều cuộc làm việc với các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trước khi tiến hành phiên họp thứ nhất.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam