“Cập thời vũ” cho người dân, doanh nghiệp

09:44 | 30/06/2021 Print
(TBTCVN) - Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Một quyết định mang tính “cập thời vũ”, mưa đúng lúc trong những ngày nóng bỏng của làn sóng dịch bệnh thứ 4.

Nhiều giải pháp được Chính phủ kịp thời ban hành để hỗ trợ người dân,

Nhiều giải pháp được Chính phủ kịp thời ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.

Cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 25/6/2021, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch Covid 19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Đã đi trúng đích

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được bắt đầu ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát trong năm 2020 có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Quan tâm mọi thời điểm


Không chỉ mỗi khi có dịch bệnh mới hỗ trợ mà ở mọi thời điểm, Nhà nước luôn thể hiện sự đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân. Hàng năm, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đều tiếp tục được bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương để thực hiện đảm bảo phân bổ đúng chính sách, chế độ chi trả kịp thời, đúng đối tượng.

Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội, tổng hợp số liệu địa phương, đến nay cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.149.226 người. Triển khai các chương trình, đề án về trợ giúp xã hội đã được phê duyệt; quan tâm chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng đó, theo dõi, nắm bắt tình hình thiếu đói, giáp hạt thường xuyên để kịp thời hỗ trợ cho các địa phương.

Có thể kể đến một trong những chính sách hỗ trợ nổi bật nhất là Nghị quyết số 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo Nghị quyết 42, có khoảng 62.000 tỷ đồng hỗ trợ khoảng 20 triệu người của 6 nhóm đối tượng, bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 22 - 23 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ sử dụng 19 - 20 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019 (tổng số khoảng 55,6 nghìn tỷ đồng). Số còn lại bố trí từ nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên (giảm chi hội họp, tổ chức lễ hội, đi công tác trong và ngoài nước...) và các nguồn hợp pháp khác.

Đây là chính sách được nhiều đại biểu Quốc hội (QH) ngợi ca là lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước hỗ trợ bằng cách trực tiếp phát tiền cho dân nghèo. Kết quả giải ngân gói hỗ trợ lần 1 cho thấy, 83% người được hỗ trợ thuộc nhóm chính sách xã hội gồm hộ nghèo, cận nghèo, người có công, người nhận bảo trợ. Tiền ngân sách nhà nước, cơ bản đã đi trúng đích.

Đảm bảo 4 “dễ”

Tuy nhiên, cũng do là lần đầu tiên, nên trong triển khai còn chậm, kết quả hỗ trợ chưa đạt như kỳ vọng đã đề ra. Báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 42 ngày 09/4/2020 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 154 ngày 19/10/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 27/5/2021, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ.

Đặc biệt, tại một số gói hỗ trợ, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp như Gói Hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ và Gói Hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng đã nhận và giải quyết cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền là trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.

Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Bộ Chính trị giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng được hưởng. Nghị quyết của Chính phủ về việc này cần bảo đảm tinh thần ngắn gọn đi kèm 4 “dễ”. Đó là, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, tránh thủ tục phiền hà.

Mạnh tay hỗ trợ


“Cập thời vũ” không chỉ ở việc Trung ương khẩn cấp thông qua chủ trương, chính sách mà ở các địa phương, ngay từ lúc này, tại nhiều địa phương đã chủ động dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Ngày 25/6/2021, Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết dự chi khoảng 886 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố để thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi Covid-19 trên địa bàn thành phố. Nghị quyết góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa triển khai hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các giải pháp hỗ trợ đã ban hành và đề ra giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn để giải pháp này trở thành động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và người đang điều trị Covid-19; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh)… đều được hỗ trợ.

Tỉnh Bình Dương còn tỏ ra “mạnh tay” hơn khi dự kiến mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người đối với người lao động đang điều trị Covid-19 (đối tượng F0), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch; hỗ trợ 1 lần với mức 1,5 triệu đồng/người với người lao động là F1 phải cách ly y tế tại các nơi cách ly tập trung; cách ly tại nhà cũng được hưởng mức hỗ trợ 1 lần là 500.000 đồng/người…

Theo công bố gần nhất của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, 540 nghìn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Các con số đó cho thấy rất cần sự “mạnh tay” ở tất cả các địa phương.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam