GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%

10:20 | 29/06/2021 Print
6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

TT

Cuộc họp báo diễn ra sáng 29/6.

Sáng 29/6, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội (KTXH) quý II và 6 tháng năm 2021.

Tích lũy tài sản tăng 5,67%

Chủ trì cuộc họp báo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương từ cuối tháng 4, song kết quả này là thành quả của sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép, lãnh đạo TCTK nhận định.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 8,17% vào mức tăng chung). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% (đóng góp 59,05%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 11,42%. Khu vực dịch vụ tăng 3,96% (đóng góp 32,78%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).

6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.

Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch nhìn chung vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%); vận chuyển hàng hóa tăng 11,5%, luân chuyển hàng hóa tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì còn tăng 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%); trong đó quý II/2021 đạt 1.177,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.985,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 224 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng mức và giảm 2,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 20,3%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 249,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 4,4%.

Doanh thu hoạt động viễn thông 6 tháng đầu năm đạt 158 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,3%). Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 6 ước tính đạt 7,2 nghìn lượt người, giảm 46,5% so với tháng trước và giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.

Huy động vốn từ thị trường chứng khoán tăng 68%

Trong lĩnh vực tài chính, tiến độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 đạt khá trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, ưu tiên chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán năm, trong đó: Thu nội địa đạt 633,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,9%. Thu từ dầu thô 18,5 nghìn tỷ đồng, bằng 79,8%. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 122,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8%.

Tổng chi NSNN ước tính đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 501 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3%; chi đầu tư phát triển 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 28,1%; chi trả nợ lãi 56,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6%.

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2020 ước tính tăng 11%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 22%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%. Tính đến hết tháng 5/2021, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước tính đạt 512,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng tài sản của toàn thị trường bảo hiểm đạt 628,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2%.

Tính đến hết tháng 5, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường trái phiếu, tính đến cuối tháng 5/2021 có 456 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.381 nghìn tỷ đồng, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh và các sản phẩm khác, quy mô giao dịch bình quân đến ngày 20/6/2021 đạt 34.121 tỷ đồng/phiên, tăng 137,8% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 24.041 tỷ đồng/phiên, tăng 90,9%.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam