Dồn tổng lực phục hồi nền kinh tế

10:17 | 28/06/2021 Print
(TBTCVN) - Tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc-xin phòng Covid-19, huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, “quyết tâm khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội”.

6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP. Hà Nội

6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP. Hà Nội tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nửa chặng đường năm 2021 vừa đi qua, GDP dự báo hụt so với tất cả các kịch bản trước đó. Tốc độ tăng GDP 6 tháng 2021 dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I năm 2021 (tăng 5,92%).

Chính phủ xác định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 được xác định có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.

Vắc-xin và vắc-xin

GDP đã không còn là vấn đề thời sự hàng đầu khi giờ đây, đâu đâu trong đời sống kinh tế xã hội cũng là câu chuyện vắc-xin và vắc-xin. Chính phủ khẳng định, sẽ sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc-xin phòng Covid-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, sau đó duy trì tiêm hằng năm. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “phải tiếp cận đa dạng các nguồn vắc-xin, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể”.

Vào tuần trước, một chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã được khởi động. Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban. Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng đặt tại Bộ Quốc phòng, do một Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm chỉ huy, có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...

Nỗ lực vươn lên


“Xác định phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời với việc phát triển kinh tế - xã hội là một lựa chọn đúng đắn, cần thiết nhưng vô cùng khó khăn, thách thức. Tuyệt đối không bi quan, dao động, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh mà phải xem khó khăn, thách thức thành động lực để nỗ lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định, trưởng thành, phát triển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, đưa ra nhiệm vụ giải pháp đúng hướng, phù hợp, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả”. - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ban Chỉ đạo thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 quân khu trong toàn quốc để khi vắc-xin về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vắc-xin tỏa đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc. Khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có nhân lực, tài khoản sẽ cập nhật và đưa lên bản đồ tiêm chủng, công khai với toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vắc xin đã sử dụng, số người được tiêm.

Tại nơi phát triển kinh tế sầm uất nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM), thời gian này, mọi hoạt động gần như phải đóng băng, sôi động nhất chỉ là tiêm chủng. Cho đến ngày 22/6, TP. HCM có 3 ngày liên tiếp đứng đầu 63 tỉnh, thành về số bệnh nhân mắc mới. Qua 35 ngày khởi phát đợt lây nhiễm từ 18/5 đến nay, TP. HCM đã có hơn 1.900 ca nhiễm và hơn 730.000 người liên quan Covid-19.

Tình hình trở nên vô cùng căng thẳng khi 11 chuỗi lây nhiễm tại đây bị mất dấu F0 bùng phát và chính quyền phải nâng cấp độ chống dịch, giãn cách xã hội đến cuối tháng 6 và thực hiện Chỉ thị 10 áp dụng riêng cho TP. HCM.

TP. HCM sẽ tiêm vắc-xin với quy mô 1.000 điểm trên toàn thành phố, thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 21/6 đến hết ngày 25/6, có khoảng 1 triệu người dân thành phố sẽ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Nóng lòng gượng dậy

Trong bức tranh tối màu chung, điểm sáng dễ nhìn thấy nhất là không chỉ Chính phủ nóng lòng khôi phục kinh tế mà các địa phương cũng vậy, nhất là các địa phương là nơi tâm dịch, đều đang rất nóng lòng gượng dậy.

Tại Bắc Giang, sau hơn một tháng phải tạm dừng hoạt động 400 doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp lớn với gần 140.000 lao động, buộc phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế khoảng 2.000 tỷ đồng/ngày, tỉnh đang ráo riết các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn khôi phục sản xuất. Từ giờ đến cuối năm, tỉnh này phấn đấu đưa số lao động đi làm trở lại là hơn 100.000 người.

Hiện, đã có 137 doanh nghiệp, chiếm 38,1% tổng số doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp ở Bắc Giang được hoạt động trở lại. Ngoài ra, tỉnh còn cho phép 547 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp hoạt động trở lại.

Tại Hà Nội, sau 27 ngày cấm hoạt động nhiều loại hình dịch vụ, sự sôi động trở lại với Thủ đô khi từ 0h ngày 22/6, được nới lỏng từng phần, dịch vụ nào thiết yếu, an toàn mở trước; vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác. Hà Nội là một trong những nơi có nhiều ca bệnh. Nhưng bằng kinh nghiệm và nỗ lực vượt bậc, thành phố đã chủ động thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly “3 lớp”. Nhờ đó, 16 chùm ca bệnh đã được khống chế và kiểm soát. 97/106 điểm phong toả đã được gỡ bỏ. 7 ngày qua chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng...

Kiểm soát chặt chẽ nhưng không quá cực đoan, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, Hà Nội đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã nỗ lực thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn sản xuất. 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Chật vật vòng xoáy gia giảm, gia tăng


Báo cáo kinh tế xã hội đặt lên bàn phiên họp 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận về những áp lực lớn đang đè nặng lên nền kinh tế. Đó là, suy giảm sức chống chịu của doanh nghiệp; suy giảm sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài; trong khi đó, gia tăng nguy cơ lạm phát.

Theo báo cáo của Chính phủ, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh. Lực lượng lao động trong quý I giảm, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng.

Thu hút FDI nửa đầu năm 2021 đạt 14 tỷ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn. Sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm. Đối với áp lực lạm phát, theo dự báo của Chính phủ, khả năng lạm phát gia tăng. Hiện trong nước, giá nhiều mặt hàng, trong đó nguyên vật liệu như thép, dầu… tăng cao, trong khi ở bên ngoài, nhiều nước đồng loạt tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ.

Niềm vui hiếm hoi có thể tìm thấy trong bối cảnh này là bất chấp tác động của Covid-19, những chuyến hàng Việt xuất sang EU vẫn tăng, đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này cán mốc 16,1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nông nghiệp tiếp tục là điểm tựa bền vững. 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Những ngày này, tấp nập các lô hàng vải thiều tươi được xuất khẩu bằng đường hàng không đã được các doanh nghiệp Việt xuất khẩu tới Cộng hòa Séc, Đức, Pháp, Bỉ.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam