Chuyện cổ tích cho ngày gian khó

09:58 | 25/06/2021 Print
(TBTCVN) - Dẫu chật vật, ngả nghiêng trong cơn cuồng phong của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn luôn là một quốc gia hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của quốc gia được đơm hoa kết trái từ những điều âm thầm nhất, giản dị nhất nhưng cũng là vĩ đại nhất.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Như câu chuyện về một cụ già đã gần trăm tuổi ở Sóc Trăng mà người dân nơi đây quen gọi cụ với cái tên là “ông bụt”, hệt như một câu chuyện cổ tích ngày xưa được kể trong những ngày gian khó và được lưu truyền nghìn đời trong chốn nhân gian.

"Tôi được biết cụ năm nay đã 98 tuổi, song vẫn miệt mài với công tác xã hội từ thiện. Trong nhiều năm, với trách nhiệm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Tâm, cụ là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” - trích thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi cụ Trần Cang, 98 tuổi, trú tại ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Chủ tịch nước viết tiếp: “Cụ đã vận động số tiền hơn 17 tỷ đồng và chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học và chính quyền địa phương giúp đỡ, hỗ trợ được trên 4.582 lượt người già cô đơn, người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo gặp khó khăn, gia đình bị thiên tai hỏa hoạn, học sinh nghèo hiếu học, đặc biệt là đã giúp trên 2.000 hộ gia đình khó khăn và 500 người cao tuổi mổ mắt, nuôi hơn 100 cụ già cô đơn cùng nhiều việc làm có ý nghĩa khác. Đúng như 2 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng người cao tuổi: “Tuổi già nhưng chí không già/ Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.

Theo Chủ tịch nước: “Những việc làm của cụ tiêu biểu cho hàng nghìn việc làm tốt đẹp của người cao tuổi đã và đang âm thầm diễn ra hàng ngày trên đất nước ta, giúp thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm đẹp thêm hình ảnh người cao tuổi Việt Nam, gương sáng và chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ học tập, noi theo”.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đã trao thư khen của Chủ tịch Nước và tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho cụ Trần Cang. Bà Ngọc cho biết: “Với sự đóng góp của cụ Trần Cang trong thời gian qua, Chủ tịch nước đã trao thư khen cho cụ. Với riêng cụ đó là vinh dự cá nhân, với tỉnh Sóc Trăng thì đây là vinh dự cho cả tỉnh. Cụ là gương điển hình tiêu biểu, có sức lan tỏa trên phạm vi toàn tỉnh cũng như phạm vi cả nước. Cụ đã góp phần hỗ trợ hàng ngàn người nghèo khó, neo đơn, hoạn nạn, gặp rủi ro, bệnh tật có cuộc sống tốt hơn”.

Cụ Trần Cang là người dân tộc Hoa ở ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Ngày ngày miệt mài làm từ thiện, mang đến niềm vui và sự sống cho biết bao những cảnh đời bất hạnh, trẻ em cơ nhỡ, hộ nghèo khó khăn. Đối với cả những người chết đi rồi cũng nhận được tấm chân tình của cụ. Hàng xóm, mỗi lần có người nghèo khổ qua đời, cụ bỏ tiền mua quan tài cho họ.

Nhiều thập kỷ qua, cụ đã giúp đỡ cho hơn 4.000 người có hoàn cảnh thật sự khó khăn như cô đơn, bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn giao thông... Năm 2016, cụ nhận nuôi 100 cụ già neo đơn, cung cấp gạo 10 kg/người/tháng. Ai yếu ớt, ốm đau không đi được, cụ sẵn sàng mang gạo tới nhà. Giúp bà con vùng sâu, vùng xa đóng 30 cây nước, làm 3 cây cầu giao thông nông thôn, xây dựng 7 căn nhà tình thương; mỗi năm đóng góp cho bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện và phát từ thiện hơn 3 tấn gạo nhân dịp Tết Nguyên đán, lễ Vu lan và lễ, tết của đồng bào Khmer…

“Tiếng lành đồn xa”, số lượng nhà hảo tâm đóng góp càng nhiều, từ đó, mỗi năm, cụ vận động được hơn 500 triệu đồng để thực hiện các hoạt động từ thiện. Theo sổ sách của cụ ghi chép, chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, cụ đã tiếp nhận trên 17 tỉ đồng tiền mặt và nhiều quà vật chất trị giá hàng tỉ đồng… Cụ có tâm nguyện: “Tôi sẽ làm từ thiện tới chừng nào chết, hoặc trí nhớ không còn minh mẫn nữa thì thôi”.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam