Cơ hội chuyển dịch cơ cấu, tạo dư địa tăng trưởng mới

09:20 | 19/06/2021 Print
(TBTCVN) - Cần rà soát lại các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo hướng tập trung vào các vùng trọng điểm. Đây sẽ là nơi cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế vào thời điểm này, tạo nên những dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Chế biến sản phẩm ruốc hàu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi).

Chế biến sản phẩm ruốc hàu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi).

Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về chủ đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tác động của đợt dịch Covid-19 lần này đến nền kinh tế nước ta?

TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung: Đợt dịch lần thứ 4 này có một số đặc điểm. Đó là có quy mô lớn hơn, nguồn lây nhiều hơn và phức tạp hơn, chủ yếu từ cộng đồng, nơi tập trung đông người, tốc độ lây lan nhanh hơn. Dịch bùng phát rộng tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, trung tâm công nghiệp chế biến xuất khẩu của cả nước và lại là những nơi chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, số ca mắc bệnh lớn hơn nhiều cả ba đợt dịch trước cộng lại, số F1 phải cách ly, số địa điểm phong tỏa cũng nhiều hơn trước. Do vậy, công tác phòng chống dịch lần này khó khăn, phức tạp và tốn kém hơn, thời gian chống dịch, dập dịch để quay lại trạng thái bình thường có thể kéo dài hơn.

Về ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta, một số ảnh hưởng tương tự như các đợt dịch trước. Đó là các ngành dịch vụ du lịch, vận tải hành khách, nhất là hàng không, nhà hàng, khách sạn tiếp tục chịu tác động nặng nề với doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh, mất việc làm… Vốn đã gặp nhiều khó khăn từ các đợt dịch trước, nhiều doanh nghiệp trong ngành này có thể sẽ không trụ lại được, phải giải thể, phá sản.

Bên cạnh đó, còn có những tác động khác khá đáng lo ngại. Đó là việc ảnh hưởng, đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, thậm chí là đứt gãy, tạm ngừng sản xuất ở một số nhà máy. Từ đó, tốc độ tăng sản lượng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sẽ giảm. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có thể giảm. Kết hợp cả hai loại tác động nói trên thì tăng trưởng quý II/2021 sẽ thấp hơn kế hoạch và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm cũng thấp hơn dự kiến.

Từ thực tế triển khai gói hỗ trợ lần 1 cho thấy, lúc này không nên chỉ tính toán chuyện hỗ trợ lần 2, mà thay vào đó nên có chương trình phục hồi kinh tế toàn diện, với hệ thống các giải pháp để kích thích kinh tế.

Về an sinh xã hội, số lao động bị mất việc làm, giảm việc làm tăng lên. Số lao động gia nhập khu vực phi chính thức gia tăng. Cuộc sống và sinh kế của khu vực phi chính thức càng trở nên khó khăn, bấp bênh và dễ bị tổn thương hơn.

PV: Trong bối cảnh khó khăn này, một số ý kiến tiếp tục đề xuất cần có các gói hỗ trợ mới. Ông có ý kiến thế nào về ban hành các gói hỗ trợ mới?

TS. Nguyễn Đình Cung: Năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ đã có các gói chính sách hỗ trợ, từ giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, giãn thời gian trả nợ vay, đến hỗ trợ doanh nghiệp giữ lao động… Mục tiêu là hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp vào thời điểm dòng tiền bị đứt gãy. Hiện tại, Chính phủ cũng đã có chính sách tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021, quy định mới về những khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không thể tiếp tục cách thức hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp như lần đầu tiên, mà cần một giải pháp dài hơi hơn, đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ phát triển… Sau một năm chịu tác động của Covid-19, tình hình doanh nghiệp rất khác. Nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải giảm số lao động, thậm chí đã đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác. Thực tế buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, cơ cấu lại hoạt động, chiến lược kinh doanh, bộ máy tổ chức… Người lao động cũng vậy, cũng không ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc như năm ngoái, vì họ đã thấy tình thế phải tìm kiếm việc làm mới. Trong tình hình như vậy, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi.

Từ thực tế triển khai gói hỗ trợ lần 1 cho thấy, lúc này không nên chỉ tính toán chuyện hỗ trợ lần 2, mà thay vào đó nên có chương trình phục hồi kinh tế toàn diện, với hệ thống các giải pháp để kích thích kinh tế.

PV: Vậy các giải pháp chính sách kích thích phục hồi kinh tế nên tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Đối với doanh nghiệp, chính sách cần thiết lúc này là hỗ trợ, khuyến khích đầu tư để kích thích đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài. Muốn làm được việc này, cần rà soát, xem lại các chính sách ưu đãi hiện có còn phù hợp không, có gì vướng mắc không, để từ đó đề xuất các giải pháp bổ sung phù hợp. Cần xem lại các ngành nghề kinh doanh đang được khuyến khích đầu tư, như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới…, có vướng mắc gì trong thực thi chính sách không, có cần thêm chính sách khuyến khích gì không… để có phương án trình Chính phủ, trình Quốc hội bổ sung. Mục tiêu là thúc đẩy tối đa các hoạt động đầu tư này để tạo năng lực mới cho nền kinh tế, tạo ra động lực chuyển đổi cơ cấu theo mục tiêu mà nền kinh tế đang cần. Các nút thắt trong thủ tục đầu tư cũng phải được gỡ quyết liệt.

Khu vực nên tập trung lúc này là tại các trung tâm kinh tế, các vùng động lực tăng trưởng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... Đây sẽ là nơi cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế vào thời điểm này, khi các doanh nghiệp được đặt trong bối cảnh phải cơ cấu lại, xem xét lại chiến lược kinh doanh. Phải có những chính sách cụ thể, mạnh mẽ hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên những dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, chứ không phải là hỗ trợ dàn trải.

Về kinh tế vĩ mô, với tình hình dịch bệnh phức tạp hơn như hiện nay, bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng sẽ khó khăn hơn nhiều. Về mục tiêu, chúng ta vẫn phải định hướng đạt mục tiêu kép, chống dịch đi cùng với phát triển kinh tế, nhưng phải tính toán cụ thể hơn nữa. Cần xác định xem kinh tế sẽ tăng trưởng thế nào, vẫn giữ theo kế hoạch hay điều chỉnh mục tiêu, hay theo tinh thần đạt được tối đa có thể? Đi đôi với đó là phải quyết liệt khống chế được dịch, thì mới có kết quả kinh tế khả quan.

Về chống dịch, rõ ràng hiện nay chỉ có tiêm vắc-xin cho đa số dân thì mới đẩy lùi được dịch bệnh. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp như xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết, không chế nguồn lây, thì phải tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề vắc-xin. Trong tiếp cận vắc-xin, thì ưu tiên đối tượng rủi ro cao và công nhân các khu công nghiệp phải là đối tượng ưu tiên. Trên thực tế, Chính phủ đang làm theo hướng này, nhưng cần thể hiện rõ ràng hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch

Mới đây, tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đề án sẽ tập trung thảo luận, nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2021. Các chính sách, giải pháp đề xuất có thể phân tích thành 2 nhóm chính. Thứ nhất, các chính sách, giải pháp có thể ban hành, thực hiện được ngay và có tác động tức thì trong các tháng cuối năm 2021 để thực sự thúc đẩy tăng trưởng năm 2021. Nhóm hai là các chính sách, giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn có thể nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai ngay trong thời điểm hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.

Dương An (thực hiện)

Dương An (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam