Mãnh liệt tình cảm với nước, với dân

15:53 | 18/06/2021 Print
(TBTCVN) - 2021 là năm đặc biệt bận rội với “làng báo” Việt Nam. Tháng 1, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII; tháng 3 Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV kiện toàn các chức danh trong bộ máy Nhà nước; tháng 5 bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp,...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội trù bị Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, ngày 25/1/2021.

Và xuyên suốt không kể ngày tháng là cuộc chiến kiên cường với đại dịch Covid - 19…

Báo chí cùng dấn thân vào các sự kiện lịch sử của đất nước bằng trọn vẹn tình cảm mãnh liệt với đất nước, với nhân dân, trong đó có những sự kiện 5 năm mới diễn ra một lần như Đại hội Đảng lần thứ XIII; có những sự kiện trước nay chưa từng xảy ra như cuộc chiến với đại dịch Covid-19, một đại dịch mang tính chất thảm họa toàn cầu.

30 năm “mon men”

“Vừa bế mạc đại hội là tôi xuống họp báo ngay và nghĩ thế nào, nói thế ấy. Mục đích chính hôm nay là gặp gỡ, cảm ơn, chúc mừng các nhà báo” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở đầu cuộc họp báo, được tổ chức ngay sau khi bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng như vậy. Đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền của báo chí về đại hội rất kịp thời, rất nhanh, Tổng Bí thư mong muốn sau đại hội, báo chí tiếp tục "truyền cảm hứng", khí thế của đại hội trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tạo sức mạnh, bước tiến cho đất nước tiếp tục phát triển, sánh vai cùng các nước trên thế giới.

Tổng Bí thư chia sẻ rằng mình đã từng có thời gian làm báo, từ khi tốt nghiệp đại học ra làm tập sự, sau đó phấn đấu lên Tổng Biên tập. “Tôi có gần 30 năm được “mon men” làm quen, được biết nghề nhà báo, tư duy, phương pháp cách làm của nhà báo và học tập được nhiều kinh nghiệm làm báo. Tôi được dự nhiều đại hội, nhưng đại hội này là một trong những đại hội thành công nhất kể cả nội dung, lề lối, cách thức làm việc và thông qua nghị quyết. Đại hội thành công có nhiều nguyên nhân, trong đó có đóng góp của anh em báo chí" – ông trải lòng.

Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư, báo chí "truyền cảm hứng", khí thế của đại hội trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tạo sức mạnh, bước tiến cho đất nước tiếp tục phát triển, sánh vai cùng các nước trên thế giới và ở chiều ngược lại, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho báo chí. Điều này có thể thấy rõ trong hàng trăm ấn phẩm báo chí, từ các trang bài dài khổ lớn trên báo giấy đến các longform trên các trang báo mạng tràn ngập hình ảnh đẹp, hình ảnh chất lượng cao và các phương tiện trình bày kỹ thuật số kèm theo các câu chuyện chuyên sâu đầy ý nghĩa về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Bắt đầu với “mười năm”

“Mười năm câu hỏi của Tổng Bí thư” chính là bài viết mở màn cho loạt bài của Thời báo Tài chính Việt Nam hướng tới Đại hội XIII. “Mười năm câu hỏi của Tổng Bí thư” nhắc lại tình cảm, tấm lòng của những người dân Mường Lát nhớ về hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiền hậu và giản dị; bỏ qua tất cả nghi lễ đón tiếp lãnh đạo Đảng, đi thẳng đến Mường Lát vào đúng ngày Tết Độc lập 2/9/2011.

Đúng theo sứ mệnh của trái tim

Phục vụ tuyên truyền cho Đại hội Đảng XIII; kiện toàn các chức danh trong bộ máy Nhà nước; bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Thời báo Tài chính Việt Nam đã có ít nhất 5 tuyến bài, với hàng trăm bài viết, thực hiện đúng theo “sứ mệnh” và tình cảm mãnh liệt của báo chí với đất nước, với nhân dân; đúng theo niềm tin yêu gửi gắm của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi ra Quyết định số 376 ngày 22/3/2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thời báo Tài chính Việt Nam. Theo đó, Thời báo Tài chính Việt Nam là cơ quan ngôn luận của ngành Tài chính, có chức năng thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về tài chính và các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trong nước và quốc tế theo định hướng của Đảng, Nhà nước.

Câu hỏi trở đi trở lại của Tổng Bí thư là, Mường Lát nghèo, Mường Lát khó thì đúng rồi (cả 8 xã của huyện thuộc diện nghèo). Nhưng vì sao Mường Lát nghèo? Đất nước độc lập 66 năm, hòa bình đã hơn 30 năm, tỉnh tập trung xây dựng khá quyết liệt mà tại sao Mường Lát vẫn nghèo, vẫn khó? Làm thế nào để Mường Lát thoát khỏi diện huyện nghèo? 10 năm trăn trở với câu hỏi đó, người đứng đầu Đảng nung nấu quyết tâm “đại chiến” với “giặc” tham nhũng. Và Tổng Bí thư đã giúp cho không chỉ Mường Lát mà cả đất nước tiến nhanh trên con đường thoát nghèo khi phát động và lãnh đạo công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống “giặc” nội xâm kể từ Tết Độc lập ấy, liên tục, bền bỉ, quyết liệt trong suốt thập kỷ qua.

Kế tiếp đó là, “Sau cái chớp mắt của lịch sử” về cuộc tổng tấn công vô tiền khoáng hậu vào lợi ích nhóm với hàng loạt trọng án kinh tế bị phanh phui, đạt nhiều thành quả chưa từng có từ trước đến nay, như vụ đại án AVG thu hồi cho Nhà nước số tiền lớn nhất trong lịch sử tố tụng. Là “Khúc hoan ca cho nền kinh tế” điểm lại sự kiện mùa hè năm 2017, lần đầu tiên, Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân, ghi dấu một nhiệm kỳ tăng tốc chưa từng có cho phát triển kinh tế tư nhân; nghị quyết này mang tên Nghị quyết 10, còn được gọi là khúc hoan ca cho nền kinh tế. Là “Thành lũy thép và điều kỳ diệu kép” về đại dịch Covid-19 càn quét đến Việt Nam, bị chặn đứng trước thành lũy thép được dựng lên bởi “tướng, sĩ một lòng phụ tử” và nghĩa đồng bào; dải đất xinh đẹp hình chữ S, một lần nữa được cả thế giới biết đến bởi điều kỳ diệu kép, vừa kiểm soát được đại dịch, vừa duy trì được tăng trưởng dương…

Đặc biệt nhất là “Quốc bảo lòng dân”

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó nhận định, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, được coi là đánh một mốc son chói lọi trong lịch sử phát triển của dân tộc. Cùng góp sức với hệ thống truyền thông trên cả nước chứng minh cho nhận định này, Thời báo Tài chính Việt Nam thực hiện tuyến bài tổng kết nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2020.

Có thể kể đến các trang bài, “Càng trong gai góc, càng thu nhiều trái ngọt”; “Hoàn cảnh đặc biệt, bản lĩnh đặc biệt”; “Nợ công đi xuống, kinh tế đi lên”; “Quốc lực, bàn tay và bó đũa”; “Lũ bạc, tình xanh, mùa màng lại quanh năm tốt”… tổng hợp tình hình năm 2020 dịch bệnh, thiên tai hoành hành hơn 300 ngày liên tục khiến GDP thấp nhất trong nhiều năm, nhưng càng trong gai góc, càng thu nhiều trái ngọt và Trung ương Đảng thống nhất nhận định năm 2020 là năm thành công nhất của nhiệm kỳ 2016 - 2020 về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Nhìn rộng hơn trong cả nhiệm kỳ, liên tiếp trong 4 năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Đặc biệt nhất trong tuyến bài này là 2 trang bài “Quốc bảo lòng dân”, nêu bật một trong những mục tiêu hàng đầu mà Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2020 theo đuổi là đạt được mức tăng trưởng GDP ngày càng cao hơn để có thêm nhiều tiền hơn nữa chăm lo cho người dân. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, vì con người và cho tất cả mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng. Trong bối cảnh ngân sách ngặt nghèo, khi bước chân vào nhiệm kỳ mới, mặc dù nợ nần trong ngưỡng nguy hiểm, Chính phủ vẫn luôn dành một nguồn lực đáng kể cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ráng sức chăm lo để mọi người dân đều có thể no cơm ấm áo.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam